Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Thứ ba, ngày 06/12/2022

(BDO)

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tại điểm cầu Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Nhiều thành tựu quan trọng

Trình bày chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới”, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nêu rõ: Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đánh giá, qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội…

Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường. Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được đổi mới. Mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết 27 cũng nêu rõ, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Quyền lực Nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ…

8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII khẳng định rõ 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đây là một trong những điểm mới, nổi bật của nghị quyết. Theo đó, nghị quyết khẳng định, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. “Đặc trưng này thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam”, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh. Đặc trưng thứ hai của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đặc trưng thứ ba là quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc trưng thứ tư là Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đặc trưng thứ năm là quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đặc trưng thứ sáu là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đặc trưng thứ bảy là bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đặc trưng thứ tám là tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết hoặc gia nhập, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII tại điểm cầu Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết Trung ương nêu rõ, 3 trọng tâm mang tính chiến lược đến năm 2030. Đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Trọng tâm thứ hai là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trọng tâm thứ ba là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật… 

Tiếp tục chương trình hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, chiều qua (5-12), các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Theo đó mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) là tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị...

TRÍ DŨNG