Hoàn thiện hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển
(BDO) Xây dựng các công trình tạo lực, phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, tạo sự cộng hưởng bổ sung giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế của tỉnh là một trong những vấn đề đặt ra. Để giải quyết vấn đề này, Bình Dương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
Quốc lộ 13, đoạn từ nút giao Tự Do (TP.Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một) vừa được khởi công nâng cấp, mở rộng vào cuối tháng 4 vừa qua. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Xây dựng các công trình tạo lực
Quá trình phát triển công nghiệp nhanh, hạ tầng giao thông đã được đầu tư bài bản và chất lượng, nhưng hệ thống đường bộ kết nối vùng ở Bình Dương đã có dấu hiệu quá tải. Vấn đề này đang là một trong những thách thức đối với Bình Dương. Sự tắc nghẽn của giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút các nhà đầu tư mới, đồng thời gián tiếp triệt tiêu lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý của tỉnh, ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình thu hút nguồn nhân lực. Đây là thách thức cấp bách cần phải được giải quyết trong tương lai gần. Bình Dương cần cải tạo các tuyến đường huyết mạch, phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.
Quốc lộ 13 đã có dấu hiệu quá tải, nhu cầu mở rộng, nâng cấp là vô cùng cấp bách để kết nối đồng bộ, tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong cũng như ngoài tỉnh. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện chỉnh trang, phát triển đô thị, dịch vụ dọc tuyến Quốc lộ 13, tỉnh đã đầu tư mở rộng thêm làn xe, xây dựng các cầu vượt qua nút giao thông. Dự án hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực giao thông mà còn mở ra cánh cửa để Bình Dương phát triển, thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, cho biết: “Quốc lộ 13 là con đường huyết mạch của quốc gia, của vùng và Bình Dương. Sau thời gian dài khai thác, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Quốc lộ 13 phải nâng cấp, mở rộng. Việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra luồng lưu thông mới, thông thoáng hơn và bảo đảm qua các nút giao không có các điểm nghẽn, ách tắc, đồng thời tạo tính kết nối, liên kết vùng, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển”.
Quốc lộ 13 là trục giao thông đầu tiên quan trọng kết nối hạ tầng làm đòn bẩy cho việc kết nối hệ thống các khu công nghiệp của Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng tiếp tục được hình thành để hoàn thiện trục giao thông kết nối về cảng biển sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, Cảng Cái Mép - Thị vải. Bên cạnh đó là các tuyến đường theo trục ngang, kết nối nội tỉnh như ĐT743, ĐT746, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… và một số đoạn qua Bình Dương của tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, tạo nên hệ thống giao thông liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp với nhau và kết nối tới các cảng biển, sân bay quốc tế, củng cố thêm lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. Điều đó kéo theo sự phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp lớn, thu hút hàng chục ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, cùng hàng triệu người dân đến sinh sống, làm việc.
TOD - Kiến tạo nơi chốn
Thời gian qua, hệ thống giao thông, đặc biệt là các tuyến đường tạo lực của tỉnh được xây dựng góp phần gia tăng giá trị đồng đều trên toàn tỉnh. Giá trị gia tăng của hạ tầng xã hội, dịch vụ và bất động sản được phân bổ đều qua sự phát triển bài bản của các tuyến đường tạo lực trong tỉnh, tác động đến đời sống mọi tầng lớp xã hội. Đây cũng chính là lý do vì sao phát triển hạ tầng giao thông và đô thị là lớp 1 của Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương theo mô hình TOD. Mô hình TOD là phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Mô hình này từ lâu đã được nhiều đô thị trên thế giới áp dụng để phát triển, gắn kết giữa giao thông công cộng với kế hoạch sử dụng đất và đã mang lại nhiều thành công.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc công nghệ thông tin, Tổng Công ty Becamex IDC: “TOD phải gắn liền với nơi chốn, kiến tạo nơi chốn. Tức là xung quanh nút giao thông đó có đủ các tiện ích cho cuộc sống con người như tỷ lệ nhà ở, văn phòng, thương mại dịch vụ, tài chính… Cụ thể, hiện tỉnh đang triển khai thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4. Hai tuyến này phát triển theo hướng Đông sẽ giảm tải việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn. Song song đó, khi dự án mở rộng Quốc lộ 13 hoàn thành, việc phát triển thương mại dịch vụ và đổi mới sáng tạo ở phía Nam sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Thời gian tới, khi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên hoàn thành, chắc chắn sẽ mang đến cho Bình Dương một diện mạo mới từ cảnh quan đô thị đến phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đóng góp vào sự phồn vinh của Bình Dương nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung.
Tổng lực thực hiện
Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú (TP.Thuận An) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP. Thủ Dầu Một) dài 12,7km, được mở rộng với kinh phí trên 1.300 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ mở rộng thêm, nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Vừa qua, tỉnh đã động thổ đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong. Hiện các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến còn lại để sớm triển khai thực hiện.
Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747b, ĐT743 theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư trên 7.258 tỷ đồng. Hiện các đơn vị liên quan đang phối hợp giải phóng mặt bằng. Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương theo phương án điều chỉnh, bổ sung vào dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư công trình đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu. Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành có tổng mức đầu tư trên 23.189 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức PPP. Đoạn tuyến nối cao tốc thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị đã giải phóng mặt bằng 60m; đoạn từ Km16+000 gần cầu Khánh Vân đến cuối tuyến đã giải phóng mặt bằng 50,75m.
Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 92km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 25,92km. Tổng mức đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Đến nay, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô. Tuyến Vành đai 4 có tổng chiều dài 199km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 27.670 tỷ đồng; trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư được khoảng 26,64km với quy mô từ 4 - 10 làn xe, nhằm từng bước hoàn thành, tạo cung kết nối Đông - Tây của tỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: “Để triển khai thực hiện các dự án, tỉnh yêu cầu huy động tổng lực cả hệ thống chính trị và người dân. Trong quá trình chỉ đạo công tác đền bù giải tỏa, tỉnh sẽ thực hiện các bước thật thận trọng, chu đáo để tạo ra sự đồng thuận lớn trong nhân dân và các đoàn thể. Song song đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư cũng như các đơn vị phối hợp hoàn thành trong thời gian sớm nhất các dự án theo tiến độ đề ra”. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Quốc Lộ 13 đã đóng góp cho Bình Dương giàu lên suốt 15 năm vừa qua. Sắp tới Quốc lộ 13 sẽ cộng hưởng cùng các đường Vành đai 3, Vành đai 4, kinh tế - xã hội của Bình Dương trong thời gian tới sẽ thật sự “cất cánh, thăng hoa”. |
PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH