Hoàn thiện hạ tầng, công nghiệp tăng tốc
(BDO) Kỳ 1: Đòn bẩy từ khu công nghiệp
Hơn 25 xây dựng và phát triển, đến hôm nay, Bình Dương có quyền tự hào với những thành quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bình Dương vẫn đang đổi thay không ngừng. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, việc xây dựng và phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) luôn được Bình Dương quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn tới, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu những dự án lớn.
Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Một góc VSIP 2
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Sáng đầu tuần, hình ảnh từng dòng người, từng đoàn xe đưa rước cán bộ, công nhân viên của các DN tấp nập đổ về KCN Bàu Bàng như một dấu hiệu bắt đầu ngày mới đầy sức sống. Có lẽ, hơn 20 năm về trước, ít ai ở vùng đất “rặt” nông nghiệp này có thể tưởng tượng đến một ngày quê mình có những KCN, có các tập đoàn lớn nước ngoài đến đặt “bản doanh”, mang theo những ước mơ, khát vọng đổi đời cho người dân địa phương. “Sinh sau, đẻ muộn”, nhưng huyện Bàu Bàng đang từng bước “thay da đổi thịt”, khoác lên mình chiếc áo mới. Các KCN Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động đã giúp Bàu Bàng trở thành một địa phương có ngành công nghiệp phát triển.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương mạnh mẽ vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất và năng động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trong thành công chung này có sự đóng góp quan trọng của các KCN trên địa bàn. Để tăng sức cạnh tranh, tỉnh đang tập trung đầu tư các KCN được quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, sớm hình thành KCN Khoa học công nghệ. Tin rằng, với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi, các KCN của tỉnh tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài”. |
Có thể thấy, ít có địa phương nào trên cả nước lại sở hữu nhiều KCN như Bình Dương. Với biệt danh “thủ phủ công nghiệp miền Nam”, Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển nhất cả nước. Ai đã từng gắn bó lâu năm với Bình Dương mới cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” này. Bình Dương hiện trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn hàng đầu và là điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước.
Ông Gricha Safarian, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Puratos Grand-Place Việt Nam (KCN VSIP 1), cho biết: “Là một trong những DN FDI đầu tiên đầu tư vào Bình Dương khi KCN VSIP 1 vừa mới hình thành, tôi thấy rõ sự thay đổi của Bình Dương qua từng ngày. Cùng với các thành tựu KT-XH khác, ngành công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển vượt bậc và được xác định tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đã chảy mạnh vào tỉnh. Với thành tựu đạt được, Bình Dương có thể tự hào với một nền công nghiệp sản xuất hàng hóa mạnh và bền vững”.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, quyền Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, đạt được kết quả như hôm nay là nhờ trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương thực hiện tốt phương châm “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư” và luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN. Chủ trương xây dựng KCN tạo động lực phát triển là tư duy đổi mới đúng đắn, kịp thời của tỉnh. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp phát triển, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị cùng phát triển. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.
Hướng đến hệ sinh thái công nghiệp mới
Những ngày cuối tuần giữa tháng 8, theo ghi nhận của chúng tôi, dù trời mưa, những công nhân tại dự án KCN VSIP 3 vẫn đang hối hả thi công ngày đêm để bảo đảm tiến độ giao đất cho nhà đầu tư. Theo báo cáo của Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP, các đơn vị thi công đang khẩn trương san lấp mặt bằng và tiến hành thi công một số tuyến đường chính vào KCN. Theo kế hoạch, đến ngày 31-8, VSIP sẽ bàn giao khoảng 24ha mặt bằng và đến 30-9 sẽ bàn giao 20ha còn lại cho Tập đoàn LEGO xây dựng nhà máy tại Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ.
Trước đó, UBND tỉnh đã thông qua quy hoạch chi tiết 1/2.000 KCN VSIP III, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng 1/5.000 đã được phê duyệt. Theo đó, VSIP III (giai đoạn 1) là KCN sản xuất tập trung đa ngành nghề, trong đó ưu tiên khai thác loại hình công nghiệp công nghệ cao. Đây là khu vực gắn với khu trung tâm dịch vụ, điều hành của toàn KCN và kết nối trục giao thông đối ngoại ĐT746, ưu tiên xây dựng giai đoạn trước mắt để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. KCN VSIP 3 dù mới khởi công, nhưng hiện đã có hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu phát triển sản xuất, tương đương 175ha đất công nghiệp.
Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. Việc thành lập KCN VSIP 3 cũng là một cách tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao, khác hẳn về chất so với hệ sinh thái công nghiệp đời cũ đã từng được phát triển tại Bình Dương với các thế hệ VSIP 1 và 2.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết để thu hút các DN FDI đến và gắn bó với Bình Dương, Becamex IDC đang tiếp tục hoàn thiện nhiều KCN như: Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP 3… nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Khi các KCN này đi vào hoạt động, Bình Dương sẽ ưu tiên ngành nghề có công nghệ cao, chọn lọc ngành nghề ít thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, Becamex IDC tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743 và nhiều tuyến đường khác, tăng cường sự kết nối không chỉ trong nội bộ khu vực mà còn kết nối linh hoạt ra bên ngoài, đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, chủ trương đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. (Còn tiếp)
NGỌC THANH