Hoàn thiện đề án thành phố thông minh, nâng tầm phát triển
(BDO) Để phù hợp với thời kỳ mới, Bình Dương đang tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc phát triển, hoàn thiện đề án xây dựng thành phố thông minh (TPTM) theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, góp phần đưa tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, vươn tầm cao mới. Nhiều giải pháp, dự án trọng điểm đã được tỉnh triển khai trong năm 2022.
Năm 2022, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0
Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình triển khai đề án thành phố thông minh năm 2022 đề ra là đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0. Trong đó, tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 và kết nối IOC tại TP.Thủ Dầu Một. Đây cũng chính là dự án trọng điểm của IOC Bình Dương năm 2022. IOC Bình Dương là hạt nhân quan trọng trong chỉ huy, điều hành các hoạt động của tỉnh thông qua việc thu thập và xử lý dữ liệu.
Tại buổi họp vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị các sở ngành, Ban điều hành TPTM Bình Dương nhanh chóng đưa IOC về cơ sở. Năm 2022, 3 thành phố và 2 thị xã của tỉnh phải thực hiện xong việc thành lập IOC. Các địa phương còn lại sẽ thực hiện hoàn tất vào năm 2023.
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành, trước nhất là các ngành trọng điểm, với sự tham gia quyết liệt của toàn tỉnh. Tiêu biểu là hoàn thiện hệ thống GIS, thường xuyên quản lý, duy trì, cập nhật và khai thác thông tin lên hệ thống để bảo đảm vận hành thông suốt và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời thí điểm ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng TPTM, năm 2022 Bình Dương đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, đón xu thế 4.0. Cụ thể, tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Trong năm 2022 Chi cục TCĐLCL sẽ triển khai thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, chi cục còn triển khai thực hiện Đềán nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tốtổng hợp (TFP) vào quátrình tăng tưởng của tỉnh; Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Phát triển kinh tế cân bằng, toàn diện
Năm 2022, Bình Dương tiếp tục phát triển khu Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương, làm đòn bẩy quan trọng thúc đẩy dịch vụ và kết nối thương mại quốc tế trong tầm nhìn TPTM. Trong đó, tỉnh sẽ khai trương khu triển lãm WTC Expo khoảng 22.000m2, đẩy nhanh tiến độ các công trình, cơ sở hạ tầng các khu A1, A9, gồm các văn phòng được thiết kế đặc biệt dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khởi công khu thương mại điện tử xuyên biên giới hợp tác giữa Becamex IDC và Warburg Pincus (Hoa Kỳ), là bước khởi đầu mới cho hệ sinh thái thương mại điện tử tại Bình Dương trong tương lai; đồng thời đưa vào vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, bắt kịp đà phát triển xu thế 4.0 và bối cảnh thích ứng Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh kết nối quốc tế, thu hút đầu tư, bao gồm tổ chức các sự kiện quốc tế phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tổ chức sự kiện, hội thảo lớn về khoa học và công nghệ… Tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ với các địa phương nước ngoài hợp tác hữu nghị với tỉnh, trong đó chú trọng chương trình trao đổi công chức, bồi dưỡng kiến thức, học hỏi kinh nghiệm về TPTM với địa phương kết nghĩa, đặc biệt với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Vùng Emilia Romagna (Ý)…
Tỉnh cũng sẽ triển khai nghiên cứu, bước đầu xây dựng mô hình Làng thông minh gắn với nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái, phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của địa phương; khuyến khích ứng dụng các giải pháp sáng tạo về công nghệ, tạo sự đột phá trong khu vực nông thôn, cả về chất và lượng trong sản xuất, dịch vụ, sức cạnh tranh về kinh tế, an sinh xã hội, môi trường xanh sạch…
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ