Họa sĩ Nguyễn Văn Đạo: Đưa tình yêu Bình Dương vào từng tác phẩm
Bằng chất liệu sơn dầu, nhà giáo - thạc sĩ họa sĩ Nguyễn Văn Đạo được giới mỹ thuật biết đến qua tác phẩm “Chất độc màu da cam” tại triển lãm khu vực năm 2004 với trường phái biểu hiện. Song hiện tại, anh lại có một ngã rẽ khác thành công không kém với xu hướng hiện thực. Với trường phái này, anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng qua tác phẩm “Thành phố mới nghỉ trưa”. Tác phẩm “Bà cháu người dân tộc Stiêng” ra đời chuẩn bị cho triển lãm khu vực sắp tới thể hiện tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương Bình Dương...
(BDO)
Thạc sĩ họa sĩ Nguyễn Văn Đạo bên tác phẩm “Bà cháu người dân tộc Stiêng” chuẩn bị “trình làng” tại triển lãm khu vực 2015 Ảnh: SONG ANH
Nhà giáo - thạc sĩ họa sĩ Nguyễn Văn Đạo là một trong những người khá đặc biệt trong giới mỹ thuật Bình Dương. Anh trầm tính, ít nói nhưng đã nói là nói thật, nói thẳng. Trong sáng tác nghệ thuật, anh luôn tìm tòi và thử thách bản thân với cái mới. Thiên nhiên và con người là nguồn cảm hứng sáng tác để anh cho ra đời những tác phẩm chất chứa những khát khao sáng tạo của mình. Đề tài về hình tượng người nông dân, công nhân... hay những sinh hoạt đời thường của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh được họa sĩ Nguyễn Văn Đạo khai thác và thể hiện một cách mới lạ, không lẫn với bất cứ thể loại tranh sơn dầu nào.
Với trường phái hiện thực trên chất liệu sơn dầu hiện đại mà họa sĩ Nguyễn Văn Đạo đã dày công khổ luyện, những đứa con tinh thần của anh ra đời vừa lung linh, vừa thơ mộng nhưng cũng rất bình dị, thấm đẫm hồn quê như lời tâm sự của anh: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê cách Bình Dương gần 2.000 cây số, nhưng may mắn được sống, làm việc, sáng tác và có một gia đình nhỏ ở Bình Dương. Vì vậy đối với tôi, Bình Dương là quê hương thứ hai của mình trên bước đường lập nghiệp...”. Những tình cảm, tình yêu và cảm xúc sáng tác về quê hương Bình Dương được họa sĩ Nguyễn Văn Đạo thể hiện qua từng nhát bay, nét cọ, lúc thì nhẹ nhàng, mềm mại uyển chuyển, khi thì mạnh mẽ, dứt khoát... Tất cả đã nói lên được điều mà bấy lâu họa sĩ luôn suy tư, trăn trở, đó là những tình cảm thiêng liêng, quý giá về quê hương Bình Dương, nơi đã chắp cánh cho những đam mê, hoài bão sáng tạo nghệ thuật.
Tác phẩm “Thành phố mới nghỉ trưa” của họa sĩ là sự tìm tòi sáng tạo với vẻ đẹp khác biệt trong sự giản dị, mộc mạc và thiêng liêng, cao quý mà anh đã trân trọng gửi gắm cả tình yêu thương của mình cho quê hương. Bằng phong cách hiện thực và một gam màu nhẹ nhàng, ấm áp, chất liệu sơn dầu trong trẻo tạo nên hiệu ứng cảm xúc gần với không gian. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để lột tả được một góc thành phố đang vươn mình trỗi dậy - thành phố mới Bình Dương nhiều cơ hội, thách thức, năng động và sáng tạo trong tương lai. Tình cảm dành cho đất và người Bình Dương còn được họa sĩ thể hiện trong tác phẩm “Bà cháu người dân tộc Stiêng”. Bình Dương đang trong thời kỳ năng động, hội nhập và phát triển, vì vậy mà hầu hết cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó vẫn còn số ít người có cuộc sống khó khăn, đặc biệt là người già và trẻ em đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. “Bà cháu người dân tộc Stiêng” diễn tả cảnh sinh hoạt đời thường của một gia đình đồng bào dân tộc Stiêng ở huyện Phú Giáo. Một tông màu lạnh sang trọng tương phản với nội dung cuộc sống khó khăn, là ý đồ tác giả muốn gửi gắm niềm tin và hy vọng sự thay da đổi thịt, từ khó khăn sẽ vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ở họa sĩ Nguyễn Văn Đạo, đó là những suy tư tìm tòi, sự khám phá cái mới tưởng như xa lạ nhưng kỳ thực nó lại rất gần gũi với chúng ta, có những rung động và cảm thông chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn trong cuộc sống. “Chỉ có những rung động thực sự mới có được cảm xúc sâu sắc và khả năng sáng tạo thông qua thực tế để tạo nên một tác phẩm thành công gần gũi với công chúng”, họa sĩ Nguyễn Văn Đạo chia sẻ.
SONG ANH