Hoa lan đất thủ: Trên đường xây dựng thương hiệu

Thứ sáu, ngày 10/07/2015

(BDO)

Ở các vùng đô thị và ven đô trên địa bàn tỉnh, trồng hoa lan hiện đang được nhiều người dân lựa chọn. Xác định đây là mô hình sản xuất phù hợp với nông nghiệp đô thị, Câu lạc bộ (CLB) trang trại hoa lan Bình Dương (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) đã hình thành và quy tụ nhiều hội viên tham gia.

 Vườn lan của ông Bùi Văn Sang, hội viên CLB trang trại hoa lan Bình Dương mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: N.TRẦN

 Sau gần 5 năm hoạt động, từ số lượng ban đầu chỉ 28 hội viên tham gia, đến nay CLB trang trại hoa lan Bình Dương đã có 87 hội viên, được tổ chức thành 7 tổ theo từng địa bàn khu vực. Thông qua CLB các hội viên được phổ biến kiến thức, kỹ thuật trồng lan, chăm sóc vườn lan đúng quy trình, lan ra hoa đẹp và cho nhiều hoa. Hiện nay, CLB trồng được khoảng 6 ha hoa lan, gồm các loại lan như môkara, dedrobium, hồ điệp, một số loại lan rừng… Tổng số vốn đầu tư ban đầu khoảng 17 tỷ đồng.

Hướng đi phù hợp

Xác định đây là mô hình phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị hiện nay của tỉnh, Ban chủ nhiệm CLB đã mạnh dạn xây dựng các mô hình cải tiến ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Theo đó, đối với lan môkara là loại hoa chủ lực vì tương đối dễ trồng, được nhiều hội viên chọn làm mô hình sản xuất chính. Từ năm 2012, CLB đã hình thành 5 mô hình điểm trồng lan môkara cắt cành theo công nghệ mới với diện tích 3.000m2. Dự án được thử nghiệm với mật độ trồng khoảng 6 - 7 cây/m2, thử nghiệm định lượng phân bón và ứng dụng công nghệ tưới phun sương bán tự động vào sản xuất để giảm công lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Dự án được Quỹ phát triển khoa học - công nghệ hỗ trợ cho vay hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Các vườn lan hiện đang trong giai đoạn thu hoạch.

Ông Bùi Văn Sang ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một, hội viên của CLB cho biết, trước đây ông từng trồng mít nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đến lúc thu hoạch sản phẩm không đạt yêu cầu, năng suất lại thấp. Đầu năm 2013, tận dụng diện tích vườn xung quanh nhà, ông đầu tư cải tạo đất, xây dựng lán trại, mua sắm dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc ươm trồng, chăm sóc hoa lan trên diện tích hơn 2.000m2. Sau hơn 9 tháng chăm sóc, số lan của gia đình ông ra hoa tươi và đẹp. Toàn bộ số lan ông thu hoạch đều được CLB trang trại hoa lan Bình Dương tiếp nhận và lo đầu ra nên ông rất an tâm.

Hiện nay vườn lan của ông Sang được chọn là nơi sinh hoạt của Hội Sinh vật cảnh phường Tân An. Đây là nơi những người yêu thích trồng lan thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trồng trọt cũng như phát triển các mô hình trồng lan giống mới.

Xây dựng thương hiệu

Không chỉ là nơi tập hợp để trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, CLB còn có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định cho các hội viên. Hiện tại, CLB đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ hoa lan với các công ty ở TP.Hồ Chí Minh. Có 25 hộ hội viên đăng ký cung cấp hoa, mỗi tuần xuất từ 3.000 - 4.000 cành, với giá bình quân 6.000 đồng/cành. Một số hội viên khác tự tìm được đầu mối tiêu thụ và đều có thị trường ổn định.

Ông Lê Văn Đạt, Phó Chủ nhiệm CLB trang trại hoa lan Bình Dương cho biết, để mô hình trồng hoa lan đem lại thu nhập cao cho các hội viên, CLB đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình hợp tác sản xuất hoa lan; đồng thời đang hoàn chỉnh thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) xin cấp thương hiệu “Hoa lan Đất Thủ” để làm cơ sở cho việc ký kết thêm các hợp đồng tiêu thụ hoa lan trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự kiến từ nay đến cuối năm 2015, CLB sẽ xúc tiến thành lập Hợp tác xã hoa lan Đất Thủ.

Phong trào trồng hoa lan ở Bình Dương phát triển mạnh tại các vùng đô thị và ven đô với diện tích hơn 25 ha. Với hiệu quả kinh tế cao, trồng lan được xem là mô hình sản xuất hiệu quả của nông nghiệp đô thị. Từ thực tế đó cho thấy, việc tập hợp hội viên và nỗ lực bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm của CLB trang trại hoa lan Bình Dương là hướng đi phù hợp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, nâng cao hiệu quả mô hình hợp tác sản xuất hiện nay.

 Q.NHIÊN