Hoa Kỳ: Việt Nam đã làm được nhiều điều phi thường trong 25 năm qua
(BDO)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 2/7/2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Nhân dịp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có cuộc trao đổi với báo chí về chặng đường 25 năm hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, một chặng đường được ông đánh giá là "điều phi thường".
Phóng viên: Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua 25 năm bình thường hóa quan hệ. Việc này đã thay đổi vị thế Việt Nam như thế nào, thưa Đại sứ?
Đại sứ Daniel Kritenbrink: Tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên khi Việt Nam ngày càng tăng cường hợp tác quốc tế song song với quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Cá nhân tôi nhận định, câu chuyện thành công của Việt Nam trong 25 năm qua là điều phi thường. Việt Nam đã thực hiện chính sách tăng cường hợp tác thông qua nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế.
Các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam cùng tạo nên nhiều thành công rất đáng tự hào. Việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Chúng tôi tôn trọng Việt Nam và ghi nhận vai trò ngày càng lớn của Việt Nam đóng góp cho quan hệ hai nước.
Tháng 2/2019, Hoa Kỳ ủng hộ phương án tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội bởi chúng tôi có sự tin tưởng vào năng lực và khả năng của Việt Nam trong việc giúp tổ chức sự kiện quan trọng này.
Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ, dù từng khá biệt lập so với hầu hết các quốc gia khác khi còn sở hữu nền kinh tế tập trung. Sau 25 năm, Việt Nam đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp với Hoa Kỳ và trở thành quốc gia có trách nhiệm ngày càng lớn trong khu vực và thế giới.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã và đang thực hiện đổi mới kinh tế, mang lại những kết quả ấn tượng, đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển nhanh chóng và là tấm gương cho các quốc gia khác.
Phái đoàn Hạm đội Thái Bình Dương thăm Đà Nẵng hồi tháng 3/2020. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Phóng viên: Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu nổi bật trong 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước?
Đại sứ Daniel Kritenbrink: Trong nhiệm kỳ của tôi, Tổng thống Donald Trump đã thăm Việt Nam hai lần. Đây là lần đầu tiên có một Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ. Điều này có đóng góp lớn cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Tháng 11/2017, tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, Tổng thống Donald Trump đã ra tuyên bố về tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Nhìn lại quá khứ, các chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam đều là những khoảnh khắc đáng nhớ. Điển hình là chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 với rất nhiều ý nghĩa biểu tượng và quan trọng, các chuyến thăm của các Tổng thống George W.Bush và Barack Obama cũng vậy.
Nhiều quyết định quan trọng đã được hai bên cùng đưa ra như: Quyết định dỡ bỏ cấm vận thương mại năm 1994; quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995...
Đến năm 2016, phía Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quyết định mang tính biểu tượng nhưng cũng rất thực tế trong quan hệ hai nước. Nhiều người cho rằng, chính quyết định đó đã mang đến sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quốc gia.
Tôi cũng chia sẻ thêm một ví dụ khác về những hoạt động hợp tác giữa hai nước đã được triển khai từ rất lâu chứ không chỉ riêng trong 25 năm qua, đó là việc tìm kiếm hài cốt binh sỹ quân đội Hoa Kỳ mất tích tại Việt Nam, vốn được triển khai từ năm 1988. Tôi cho rằng, việc hai bên hợp tác trong các vấn đề do chiến tranh để lại cũng đã mang đến những tác động và vai trò rất lớn.
Tôi nhớ tới những nỗ lực của Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy và Quỹ nạn nhân chiến tranh Leahy do ông sáng lập đã góp phần xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, điển hình là công tác xử lý dioxin/chất độc da cam ở Sân bay Đà Nẵng và Sân bay Biên Hòa.
Quyết định tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước thực sự là quyết định mang tính lịch sử, dũng cảm, là sự khởi đầu một mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Những gương mặt nổi bật của Hoa Kỳ trong việc giúp bình thường hóa quan hệ hai quốc gia có thể kể đến cố Thượng Nghị sỹ John McCane, Thượng Nghị sỹ John Kerry... Phía Việt Nam cũng vậy, họ có rất nhiều người đóng góp cho tiến trình này.
Điều tôi trông đợi vào hợp tác giữa hai quốc gia trong vài thập kỷ tới là sự tăng cường hợp tác về giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hiện có 30 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, nghĩa là có 30 nghìn đại sứ về văn hóa của hai nước.
Nhân đây, tôi xin nhắc lại cuộc trao đổi cách đây hơn 2 năm với Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson. Khi tôi nói những gì hai nước đạt được thực sự là phép màu, ông Peterson nói rằng tôi đã sai.
Ông Peterson giải thích nếu là phép màu thì điều này chỉ là sự tình cờ hay do thánh thần tạo ra. Tuy nhiên, những điều phi thường mà hai nước đạt được không phải ngẫu nhiên hay may mắn mà đó là kết quả của rất nhiều sự nỗ lực, dũng cảm và thiện chí của hai phía trong nhiều năm qua.
Tôi có thể khẳng định trong vai trò Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng với khoảng 1.200 nhân viên Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Phóng viên: Ngài đánh giá thế nào về hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, thưa Đại sứ?
Đại sứ Daniel Kritenbrink: Hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với dịch COVID-19 rất hiệu quả. Tôi cho rằng công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam tốt nhất trên thế giới và Hoa Kỳ tự hào là đối tác của Việt Nam trong hợp tác y tế hơn 20 năm qua.
Chúng tôi vui mừng nhận thấy lĩnh vực hợp tác này được mở rộng cùng với những nỗ lực của Việt Nam khi ứng phó với dịch COVID-19, điển hình là các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin, tư vấn giữa hai bên.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế sau dịch. Tôi cho rằng Việt Nam là một trong những người bạn tốt. Trong bối cảnh Hoa Kỳ gặp khó khăn khi ứng phó với dịch COVID-19, nhiều tổ chức và cá nhân tại Việt Nam đã tặng khẩu trang, thiết bị y tế cho chúng tôi.
Tôi rất ấn tượng với những gì Việt Nam đã làm được trong vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt là khi phải đối mặt với dịch COVID-19. Việt Nam đã thành công khi đưa ra tầm nhìn cho những ưu tiên, đề xuất và Hoa Kỳ ủng hộ điều này.
Cuộc họp mới đây giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo với người đồng cấp từ 10 nước ASEAN cùng nhiều cuộc trao đổi khác của giới chức Hoa Kỳ với các quan chức khu vực cho thấy: Hoa Kỳ ủng hộ ưu tiên thúc đẩy kết nối ASEAN trong lĩnh vực hạ tầng phục vụ kết nối, thúc đẩy kinh tế khi đối mặt với đại dịch.
Giới chức y tế Hoa Kỳ đã làm việc với các đối tác ASEAN nhằm thúc đẩy việc ứng phó với đại dịch, hỗ trợ bảo hộ công dân; hợp tác điều phối các chuyến bay, giảm thiểu sự đình trệ trong chuỗi cung ứng.
Phóng viên: Với mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ có những cam kết gì về hợp tác với Việt Nam và khu vực thời gian tới?
Đại sứ Daniel Kritenbrink: Những người bạn của chúng tôi tại Việt Nam cũng như khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương và khắp thế giới có thể tin cậy vào Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, tự do, ổn định, cởi mở và tuân thủ luật pháp. Sự phát triển của Hoa Kỳ cũng dựa trên những đối tác mạnh mẽ, thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ những lợi ích đó của chúng tôi thông qua các hành động của mình, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng trong khu vực này.
Hoa Kỳ trên hết không phải là một nước đứng một mình, quốc gia nào cũng vì lợi ích của chính mình. Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc sở hữu các đối tác mạnh mẽ tự chủ trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Theo TTXVN