Hòa giải viên Lê Thị Thiện: Hòa giải thành là niềm vui của chúng tôi
(BDO) Để hòa giải các vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, hòa giải viên phải là người kiên nhẫn, nhiệt tình với công tác hòa giải, đối thoại. Trên hết, họ phải có hiểu biết nhất định về pháp luật, từ đó đưa ra những lập luận sắc sảo để thuyết phục đương sự. Với hơn 20 năm tham gia trong vai trò hội thẩm, hòa giải viên, bà Thiện đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại Tòa án Nhân dân (TAND) TX.Thuận An…
Hòa giải viên Lê Thị Thiện trong một phiên hòa giải tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TX.Thuận An
Bà Lê Thị Thiện trước đây là cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo. Từ năm 1991 bà chuyển qua công tác tại Đài Truyền thanh huyện Thuận An. Nhờ tiếp xúc và làm việc trong lĩnh vực truyền thanh - truyền hình mà bà Thiện có nhiều kiến thức pháp luật nói riêng và kiến thức xã hội nói chung.
Năm 2009, bà tham gia hội thẩm tại TAND huyện Thuận An đến nay. Cuối năm 2018, khi Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND thị xã Thuận An được thành lập, bà Thiện có tên trong danh sách 7 hòa giải viên chính thức của trung tâm, tham gia hòa giải các vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình để giảm thiểu số lượng các vụ án đưa nhau ra tòa. Kinh nghiệm 20 năm ngồi ghế hội thẩm tại các phiên tòa đã giúp bà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp.
Tham gia hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp dân sự phức tạp, ấn tượng của hòa giải viên Lê Thị Thiện vẫn là những vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo bà, hầu hết các vụ ly hôn đều do người vợ chủ động nộp đơn ra tòa. Một khi họ đã quyết định cắt đứt mối quan hệ thì việc hòa giải để vợ chồng quay về đoàn tụ rất khó khăn. Với những vụ tranh chấp phức tạp, hòa giải viên chủ động hòa giải hai bên để cả hai bớt căng thẳng, đồng thuận giải quyết vụ việc tại tòa. Với những vụ ly hôn khác, nhận thấy đương sự vẫn còn tình cảm với nhau, cuộc hôn nhân vẫn còn có khả năng cứu vãn, bà Thiện thuyết phục hai bên hóa giải mâu thuẫn, quay về bên nhau.
Trong một lần hòa giải một cặp vợ chồng nọ, bà Thiện đã rất nỗ lực thuyết phục để cả hai quay về đoàn tụ. Người chồng sau khi ngoại tình bị vợ phát hiện nhưng không đồng ý ly hôn. Người vợ chủ động đòi cắt đứt mối quan hệ vợ chồng. Được sự phân tích của hòa giải viên, người vợ đã hiểu rằng việc ly hôn sẽ càng làm cho tình hình thêm phức tạp. Bị đơn, tức là người chồng sẽ tiếp tục dùng tài sản gia đình cung phụng người mới, con cái sẽ ảnh hưởng vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Cô vợ sau khi được hòa giải viên thuyết phục hợp tình hợp lý đã quyết định rút đơn khởi kiện và cho người chồng cơ hội sửa sai. Một thời gian sau, khi gặp lại người vợ, bà Thiện vui mừng khi được biết người chồng nay đã “tu tâm dưỡng tính”, quay về và sống đoàn viên, vui vầy bên vợ con.
Một trường hợp khác, người chồng lại là người chủ động nộp đơn ly hôn. Lý do là anh ta phát hiện vợ mình ngoại tình với người đàn ông khác. Ngoài ra, cô vợ còn ham mê cờ bạc, bỏ bê con cái. Nhờ sự phân tích của hòa giải viên, người vợ sau đó đã nhận ra lỗi lầm của mình, mong chồng cho cơ hội để “làm lại từ đầu”. Người chồng ban đầu tức giận nhưng sau buổi nói chuyện với hòa giải viên đã quyết định tha thứ cho vợ.
Để hòa giải thành các vụ mâu thuẫn hôn nhân và gia đình phức tạp, bà Thiện đã phải mất nhiều ngày nghiên cứu kỹ hồ sơ. Trong quá trình hòa giải, bà chủ động tách riêng từng đương sự để lắng nghe tâm sự của từng người, sau đó cho hai bên gặp nhau để cùng hòa giải viên trao đổi, đối thoại. Hòa giải viên Lê Thị Thiện chia sẻ: “Tùy từng vụ việc mà mình có cách hòa giải sao cho phù hợp. Với những vụ tranh chấp dân sự như đất đai, chủ yếu hai bên đều đặt nặng vấn đề quyền lợi, mình phân tích nhiều về pháp lý, về “tình làng nghĩa xóm”, tình nghĩa ruột thịt, họ hàng. Riêng các vụ ly hôn, mình lắng nghe câu chuyện của mỗi người để có cách thuyết phục hợp tình hợp lý, phù hợp với tâm lý từng đương sự. Nếu tìm hiểu và thấy họ vẫn còn yêu thương nhau, vẫn coi trọng trách nhiệm với con cái thì mình sẽ làm chiếc cầu nối hóa giải mâu thuẫn cho họ quay về đoàn tụ với nhau. Hòa giải thành một vụ, mình vui và hạnh phúc lắm”.
Tuy nhiên, không phải vụ hòa giải nào cũng dễ dàng, suôn sẻ vì hầu hết các đương sự khi đã nộp đơn khởi kiện ra tòa đều mang tâm thế tức giận, muốn dứt khoát hoặc đặt nặng quyền lợi của bản thân. Chưa kể, trong nhiều vụ ly hôn, hai vợ chồng lại tranh chấp gay gắt để giành quyền nuôi con. Điều này làm hòa giải viên trăn trở nhiều. Bà Thiện đã phải nghiên cứu hồ sơ rất kỹ, cập nhật thêm những văn bản pháp luật mới ban hành, cộng với kinh nghiệm của bản thân để tìm ra hướng hòa giải phù hợp cho từng vụ việc, từng đương sự.
“Đối với các vụ ly hôn, mình lắng nghe câu chuyện của mỗi người để có cách thuyết phục hợp tình hợp lý, phù hợp với tâm lý từng đương sự. Nếu tìm hiểu và thấy họ vẫn còn yêu thương nhau, vẫn coi trọng trách nhiệm với con cái thì mình sẽ làm chiếc cầu nối hóa giải mâu thuẫn cho họ quay về đoàn tụ với nhau. Hòa giải thành một vụ, mình vui và hạnh phúc lắm”, bà Lê Thị Thiện bày tỏ. |
LÊ NA