Hòa giải viên lao động: Góp phần hạn chế đình, lãn công

Thứ năm, ngày 07/06/2018

(BDO) Các tranh chấp lao động phát sinh giữa người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ) thường bắt nguồn từ việc trả lương, chế độ chính sách trong làm việc, bảo hiểm xã hội… Với vai trò là “cầu nối”, các hòa giải viên giúp NLĐ giải quyết các tranh chấp mới phát sinh với NSDLĐ, bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả hai bên, góp phần hạn chế đình, lãn công.


Hòa giải viên tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động của công nhân trên địa bàn TX.Thuận An

“Cầu nối” giữa NLĐ với NSDLĐ

Sau gần 4 tháng nghỉ việc, anh Bùi Lý V. (quê Đồng Tháp) vẫn chưa được Công ty Đ. trả lương và chốt sổ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù anh V. đã nhiều lần liên hệ yêu cầu giải quyết quyền lợi nhưng Công ty Đ. vẫn không thực hiện yêu cầu của anh. Trong khi đó cuộc sống của anh V. đang gặp nhiều khó khăn vì không có việc làm. Sau đó, anh V. đã làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX.Thuận An.

Sau khi nhận đơn, hòa giải viên của Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An tìm hiểu những nội dung trong đơn mà anh V. phản ánh. Sau khi xác minh, Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An mời anh V. và đại diện Công ty Đ. để tổ chức hòa giải. Tại đây, hòa giải viên của Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An và Liên đoàn Lao động TX.Thuận An lắng nghe ý kiến của hai bên. Từ đó, hòa giải viên căn cứ vào các quy định của pháp luật về lao động và các quy chế, thỏa ước lao động của doanh nghiệp với công nhân để phân tích những vấn đề đúng - sai trong cách hành xử của hai bên để gợi ý cho các bên tiến hành thương lượng, thỏa thuận.

Sau khi nghe phân tích của các hòa giải viên cùng với mong muốn chính đáng của anh V., đại diện Công ty Đ. đã cam kết chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả lương cho anh V.

Nói về kết quả này, anh Nguyễn Tuấn Thanh, chuyên viên - hòa giải viên, Phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An chia sẻ: “Đây là một trong những vụ tranh chấp lao động điển hình phát sinh giữa NLĐ và NSDLĐ bắt nguồn từ việc trả lương, chế độ chính sách, quan hệ ứng xử giữa công nhân với quản lý, bảo hiểm xã hội… Để giải quyết ổn thỏa các tranh chấp này, hòa giải viên vừa có kiến thức pháp luật và có kỹ năng thuyết phục. Điển hình như trường hợp trên, hòa giải viên phải dựa vào các quy định pháp luật để phân tích lý - tình cho doanh nghiệp hiểu. Đồng thời, hòa giải viên còn phải gợi mở cho doanh nghiệp bày tỏ tâm tư. Có như thế, buổi hòa giải mới đạt được kết quả tốt, không để mâu thuẫn giữa NLĐ và NSDLĐ kéo dài”.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TX.Thuận An cho rằng để hòa giải thành các tranh chấp lao động, ngoài việc vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật, hòa giải viên còn phải là người có uy tín. “Nếu hòa giải viên là người có uy tín thì NLĐ và NSDLĐ sẽ tin tưởng bày tỏ hết những tâm tư nguyện vọng của mình. Có như thế, hòa giải viên mới nắm rõ được nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động rồi từ đó phân tích cho hai bên cùng hiểu”, ông Đức chia sẻ “chìa khóa” để tháo gỡ các tranh chấp lao động.

Góp phần hạn chế đình, lãn công

Bên cạnh việc giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân, các hòa giải viên còn có vai trò quan trọng trong việc giải quyết ổn thỏa các vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình, lãn công, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và an ninh trật tự tại địa phương. “Khi doanh nghiệp xảy ra đình, lãn công, chúng tôi cùng với các ngành chức năng xuống doanh nghiệp nắm tình hình để có biện pháp giải quyết. Sau khi lực lượng chức năng đã ổn định tình hình, chúng tôi lắng nghe công nhân bày tỏ những bức xúc và yêu cầu đối với doanh nghiệp. Nếu yêu cầu của công nhân đối với doanh nghiệp chưa đúng thì chúng tôi phân tích cho công nhân hiểu. Còn yêu cầu nào của công nhân hợp lý và chính đáng thì chúng tôi ghi nhận rồi gặp đại diện doanh nghiệp để họ trình bày. Tại đây, với vai trò là “cầu nối” của công nhân, chúng tôi cùng doanh nghiệp tìm ra tiếng nói chung với công nhân, bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của cả hai bên.

Sau đó hòa giải viên đề nghị đại diện doanh nghiệp trực tiếp ra trả lời các ý kiến của công nhân trước đó. Nếu công nhân vẫn chưa thấy hài lòng với phần trả lời của doanh nghiệp thì chúng tôi tiếp tục làm “cầu nối” để doanh nghiệp và công nhân có được giải pháp tốt nhất để giải quyết bất đồng về chính sách. Sau khi công nhân và doanh nghiệp đạt được thỏa thuận, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp ra thông báo về những nội dung đã thỏa thuận với công nhân để toàn bộ công nhân nắm rõ; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả lương cho công nhân vào thời gian diễn ra đình lãn công, nếu đình lãn công đúng pháp luật”, bà Phạm Thị Thu Yến, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An chia sẻ những kinh nghiệm hòa giải thành các vụ tranh chấp lao động tập thể, dẫn đến đình, lãn công trên địa bàn trong thời gian qua.

Trong khi đó anh Nguyễn Văn Hà, hòa giải viên Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An cho rằng: “Để giải quyết ổn thỏa các vụ tranh chấp lao động tập thể, chúng tôi phối hợp với công đoàn cơ sở và các ngành chức năng nắm tâm tư nguyện vọng của NLĐ và NSDLĐ. Sau đó, chúng tôi dựa vào các quy định của pháp luật để phân tích và thuyết phục hai bên hiểu rõ để từ đó tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất khiến cho cả hai bên cảm thấy hài lòng. Cùng với việc giải quyết tranh chấp lao động, chúng tôi còn triển khai các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động và đình, lãn công. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với công đoàn cơ sở nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời có kế hoạch xử lý khi có tình huống xảy ra. Chúng tôi luôn phối hợp với các ngành chức năng trực tiếp đến doanh nghiệp để tuyên truyền pháp luật nhằm giúp cho NLĐ và NSDLĐ nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về lao động”.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho các hòa giải viên lao động thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp lao động, ngày 8-7-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức hoạt động của hòa giải viên lao động. Theo đó, hòa giải viên lao động được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải và hưởng các chế độ chính sách cùng các nghĩa vụ theo quy định. Bên cạnh đó, quy chế này cũng quy định trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Đến nay tại 9 huyện, thị, thành phố và 2 ban quản lý khu công nghiệp đều có hòa giải viên lao động. Các hòa giải viên này sẽ phối hợp, hỗ trợ với các ngành chức năng giải quyết các vụ tranh chấp lao động phát sinh, đình công tự phát xảy ra trên địa bàn quản lý.

 

NGUYỄN HẬU