Hòa giải tại tòa và tình làng, nghĩa xóm

Thứ tư, ngày 10/04/2019

(BDO) Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phương thức giải quyết các tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án do hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện trước khi thụ lý giải quyết vụ án theo tố tụng dân sự (gọi tắt là hòa giải tại tòa). Trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được, đa số những vụ hòa giải thành đều đem lại sự thanh thản cho cả đôi bên tranh chấp, từ đó giữ được tình làng, nghĩa xóm. Hòa giải tại tòa mặc dù mới được thí điểm thực hiện tại một số địa phương, nhưng hiệu quả bước đầu là rất tích cực.

 Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ việc người ta lôi nhau ra tòa bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Nếu không kịp thời hòa giải, những vụ việc nhỏ này sẽ biến tướng theo chiều hướng “cái sảy nảy cái ung”, dân sự chuyển thành hình sự, rồi trở thành trọng án. Tại các làng quê, nhiều trường hợp chỉ vì tranh chấp con gà, ranh đất giữa các hộ liền kề mà dẫn đến xô xát. Tại các đô thị, không hiếm những vụ va quyẹt xe dẫn đến đánh nhau. Trong gia đình, mâu thuẫn vợ chồng đến mức ly hôn đôi khi bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ. Những vụ việc, mâu thuẫn nhỏ nói trên nếu kịp thời hòa giải sẽ không có chuyện phải nhờ tòa phân xử, dẫn đến đánh mất tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc hòa giải, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể cũng đã vào cuộc bằng cách thành lập những tổ hòa giải cơ sở để kịp thời thực hiện hòa giải khi có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra tại cộng đồng dân cư. Dẫu vậy, những cuộc hòa giải này chỉ dừng lại ở mức khơi gợi nghĩa tình để đôi bên nghĩ lại mà bỏ qua tranh chấp, chưa vận dụng pháp luật vào hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành còn thấp. Trước tình hình trên, Tòa án Nhân dân tối cao đã đưa vào triển khai, thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án Nhân dân 2 cấp ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mặc dù mới được đưa vào triển khai, thực hiện thí điểm với thời gian chưa lâu, nhưng hiệu quả mang lại bước đầu của phương thức hòa giải tại tòa là rất khả quan, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn so với hòa giải sơ sở. Có không ít vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ và đôi bên tranh chấp quyết đưa nhau ra tòa, nhưng sau khi được hòa giải viên phân tích, lý giải dựa trên cơ sở pháp luật, hai bên vui vẻ bắt tay nhau ra về. Không ít vụ vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn chỉ vì những bất đồng nhỏ trong cuộc sống, sau khi được hòa giải đã kéo nhau về để… “cùng lo cho con”.

Từ những thành công bước đầu, có thể khẳng định việc hòa giải tại tòa sẽ góp phần làm giảm số lượng các vụ phải giải quyết bằng xét xử, từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức của Tòa án và chi phí của Nhà nước. Cùng với đó, cái được lớn hơn của hòa giải tại tòa là tính nhân văn. So với xét xử, hòa giải tại tòa nếu thành công sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên tranh chấp, ít nhất là về mặt tình cảm, từ đó góp phần hàn gắn được những rạn nứt, xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

LÊ QUANG