Hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân 2 cấp: Kết quả đáng mừng
(BDO) Là một trong 16 tỉnh, thành được chọn thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp, 5 tháng vừa qua, Bình Dương đã gặt hái được kết quả ấn tượng về công tác này.
Tăng cường hòa giải, đối thoại sẽ giúp giảm tải cho các tòa án. Trong ảnh: Quang cảnh của một buổi hòa giải, đối thoại luôn thân tình, cởi mở, giúp những người liên quan dễ dàng tìm được tiếng nói chung
Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt gần 88%
Theo báo cáo sơ kết về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương qua 5 tháng thực hiện thí điểm (từ ngày 1-11-2018 đến ngày 31-3-2019), Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương đã thực hiện hòa giải, đối thoại thành 1.648 vụ, đạt tỷ lệ gần 88%, giúp cho các tòa án có trung tâm thí điểm giảm được 1.648 vụ tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính. Trong số 1.648 vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 1.049 vụ các đương sự đề nghị tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận nên các vụ việc này sẽ được cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự. Có 599 vụ việc đương sự tự thỏa thuận giải quyết nên đã giảm số lượng chuyển qua cơ quan thi hành án dân sự.
“Hòa giải, đối thoại là để thu hẹp những bất đồng, củng cố lại mối quan hệ, tháo ngòi căng thẳng và tranh chấp giữa các bên để hai bên cùng thắng, xã hội phát triển bền vững hơn, đồng thời giảm tải công việc cho tòa án. Việc mở ra một cơ chế giải quyết tranh chấp mới bên cạnh những cơ chế truyền thống là một chủ trương lớn được Chánh án TAND Tối cao và lãnh đạo TAND Tối cao rất quan tâm. Trên cơ sở thí điểm mô hình này và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, TAND Tối cao đang xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2020. Tôi mong rằng TAND 2 cấp ở Bình Dương tiếp tục chú trọng phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng hòa giải viên để có được kết quả hòa giải tốt hơn”, ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh. |
Bà Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Hiện Bình Dương có 1 trung tâm hòa giải, đối thoại cấp tỉnh và 6 trung tâm hòa giải, đối thoại cấp huyện, thị, thành phố. Hầu hết các trung tâm cấp huyện có tỷ lệ vụ việc giải quyết trên tổng số vụ việc đủ điều kiện giải quyết tại trung tâm đạt trên 90%. Một số trung tâm có tỷ lệ cao như huyện Dầu Tiếng đạt 97,47%, TX.Thuận An đạt 97,28%, TP.Thủ Dầu Một đạt 95,30%. Các trung tâm cấp huyện đều có tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số vụ việc đã giải quyết đạt trên 80%. Một số trung tâm có tỷ lệ rất cao như TX.Thuận An (99,24%), TX.Dĩ An (91,49%), TX.Bến Cát (89,76%)”.
Cũng theo bà Mai, mỗi tháng hòa giải viên, đối thoại viên hòa giải, đối thoại thành 6,73/7,64 vụ đưa ra hòa giải. Đối với trung tâm cấp tỉnh, mặc dù số lượng án thụ lý không nhiều như ở trung tâm cấp huyện nhưng trung tâm cấp tỉnh giải quyết đạt tỷ lệ 51,61%, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành chỉ đạt 43,75% do các tranh chấp của trung tâm tỉnh có tính chất phức tạp, chủ yếu là khiếu kiện hành chính.
Hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cao
Đó là nhận định của ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp của tỉnh (gọi tắt là BCĐ 836). Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác này vào chiều ngày 8-4, ông Trần Văn Nam cho rằng qua thực hiện thí điểm cho thấy công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án mang tính nhân văn vì giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xã hội, hàn gắn được những rạn nứt; xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đồng thời góp phần giảm số lượng các vụ, việc phát sinh phải giải quyết bằng xét xử; tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của Nhà nước.
Ông Trần Văn Nam đánh giá cao những kết quả mà các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp đã đạt được. Đặc biệt là từng hòa giải viên, đối thoại viên đã có những nỗ lực rất lớn, những cách làm hay, sáng tạo áp dụng trong công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND. Ông Trần Văn Nam lưu ý, trong thời gian tới các trung tâm, hòa giải viên cần khắc phục những hạn chế, khó khăn để làm tốt hơn công tác hòa giải, đối thoại, phấn đấu đưa công tác hòa giải, đối thoại tại trung tâm của mình đạt tỷ lệ cao hơn.
Cũng tại hội nghị này, sau khi nghe báo cáo những kết quả về hòa giải, đối thoại mà TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương đã làm được trong 5 tháng qua, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TAND Tối cao nhận định tỷ lệ hòa giải thành tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại của tỉnh Bình Dương đạt được còn cao hơn cả Hải Phòng khi tiến hành thí điểm từ tháng 3 đến tháng 9-2018 (đạt mức 76,2%).
Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng để có được những thành quả đó phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trưởng BCĐ 836 cũng như sự nỗ lực của lãnh đạo, các cán bộ công chức tòa án hai cấp tỉnh Bình Dương cũng như các hòa giải viên, đối thoại viên.
Trước những khó khăn, vướng mắc từ thực tế, ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh, điều này là tất yếu bởi chúng ta đang thí điểm một cơ chế mới chưa được quy định trong luật. Mặc dù BCĐ và các đơn vị chức năng của TAND Tối cao đã nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc về chuyên môn để áp dụng thống nhất tại các địa phương thí điểm nhưng chưa thể giải quyết hết được. Những kiến nghị, vướng mắc này sẽ được ban soạn thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo hoặc có văn bản hướng dẫn phù hợp.
Qua 5 tháng thực hiện thí điểm (từ ngày 1-11-2018 đến ngày 31-3-2019), Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương đã thực hiện hòa giải, đối thoại thành 1.648 vụ, đạt tỷ lệ gần 88%. Trong số 1.648 vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 1.049 vụ các đương sự đề nghị tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận.
TÂM TRANG