Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến tiêu lốp

Thứ bảy, ngày 26/11/2022

(BDO) Cú hích cho cơ sở công nghiệp nông thôn

Chúng tôi đến thăm cơ sở hồ tiêu Kiết Tường tại ấp Tân Lập, xã An Điền, TX.Bến Cát trong ngày nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến tiêu lốp” do ngành công thương hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Chị Lê Nguyên Thảo, chủ cơ sở hồ tiêu Kiết Tường, cho biết ngành, nghề kinh doanh trồng và mua bán nông sản (hồ tiêu) và cây xanh, sơ chế và đóng gói nông sản, sản xuất muối tiêu.

Tiêu lốt hay còn gọi là tiêu lốp. Ngoài ra còn có một số tên gọi khác như: Hồ tiêu dài, tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tím, tiêu ớt, tất bạt, trầu không dại, tiêu Ấn Độ… Nhiều người còn thích dùng tiêu lốp bởi nó cay nồng hơn và đặc biệt rất thơm. Thực tế cho thấy tiêu lốp không chỉ là nguyên liệu đáng chú ý trong ẩm thực mà còn là vị thuốc có giá trị, công dụng rất đặc biệt trong y học, tiêu lốp được xem là một thảo dược quý tại Việt Nam.

Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến tiêu lốp”

Từ những lợi ích của việc sử dụng tiêu lốp trong đời sống hàng ngày, cơ sở hồ tiêu Kiết Tường luôn tìm ra giải pháp để làm sao có thể bảo quản tiêu sử dụng được trong thời gian dài, tránh bị úng nước, ẩm mốc. Kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản hạt tiêu cũng có những đòi hỏi đặc biệt và cần được ứng dụng công nghệ cao hơn nữa để nâng chất lượng của hồ tiêu và giữ vững thế mạnh kinh tế. Vì thế cơ sở hồ tiêu Kiết Tường đã mạnh dạn đầu tư máy sấy tiêu năng lượng mặt trời để phục vụ cho quá trình chế biến tiêu của cơ sở nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện năng, giảm chi phí đầu tư. Vì được thu hoạch sau khi chín nên trong hạt vẫn có một hàm lượng nước nhất định. Lượng nước này là một trong những yếu tố dẫn đến sự thay đổi chất lượng của hạt.

Chị Lê Nguyên Thảo chia sẻ khi đầu tư máy móc thiết bị sấy khô hạt tiêu có tác dụng làm giảm độ ẩm có trong hạt khi không có nước, điều kiện biến đổi của hạt thiếu đi một yếu tố. Do đó, hạt không bị biến đổi và giữ nguyên chất lượng gần như khi vừa được thu hoạch xong. Đồng thời, hỗ trợ công tác bảo quản hạt được lâu hơn, chúng ta phải sấy khô tiêu để hạn sử dụng của hạt tiêu là lâu nhất. Giúp hạt sau khi thu hoạch và tới tay người dùng không có nhiều khác biệt hương vị.

Chính vì vậy đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến tiêu lốp” cho cơ sở hồ tiêu Kiết Tường là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, việc hỗ trợ giúp cơ sở có thêm điều kiện ứng dụng máy móc tiên tiến vào khâu chế biến tiêu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, đáp ứng cường độ lao động sản xuất hiện đại, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

So sánh với việc trước đây khi chưa đầu tư hệ thống máy sấy tiêu năng lượng mặt trời trong quy trình chế biến tiêu lốp, chị Thảo cho biết cơ sở phải sử dụng phương pháp phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và sấy bằng máy điện có công suất nhỏ và cũ nên không đáp ứng kịp thời lượng tiêu thu hoạch tại vườn mà lại tiêu tốn rất nhiều điện năng và phải phụ thuộc vào thời tiết vì khi phơi nắng nông sản phải là trời nắng tốt, nắng gắt.

Sau khi đầu tư máy sấy mới 100%, cơ sở sẽ tạo ra sản phẩm tiêu sấy khô đều, đẹp, chất lượng, không phải phụ thuộc vào thời tiết (máy sấy năng lượng mặt trời có thể sử dụng ngay cả khi thời tiết không có nắng hoặc mưa), đặc biệt là tiết kiệm chi phí, máy sấy sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên là năng lượng mặt trời từ đó giúp cơ sở tiết kiệm ít nhất 50% chi phí sấy với nguồn năng lượng siêu sạch. Đầu tư máy sấy trong chế biến tiêu nhằm tăng năng suất sản xuất (đạt 12 tấn/năm sản phẩm tiêu khô), nâng cao chất lượng sản phẩm... Vì thế có thể thấy đây là hoạt động đầu tư mang tính hiện đại, ứng dụng công nghệ giảm thiểu ảnh hưởng của các vấn đề kinh doanh của đơn vị đồng thời tăng doanh thu và lợi nhuận. Máy sấy sử dụng chủ yếu nguồn năng lượng mặt trời sẽ giảm phát khí CO2 giúp bảo vệ môi trường.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường

Việc hỗ trợ cơ sở hồ tiêu Kiết Tường cộng với nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp trong ứng dụng máy móc tiến tiến trong chế biến tiêu sẽ giúp đơn vị có điều kiện tăng sản lượng, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào thời tiết, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho đơn vị trên thị trường. Đây là hình thức đầu tư kinh doanh mang tính khả thi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bảo đảm an toàn thực phẩm. Đề án mang lại hiệu quả rõ rệt khi đầu tư mới thay cho phương pháp thủ công trước đây.

Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, đánh giá về mặt kinh tế đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh thương hiệu tiêu lốp đến tay người tiêu dùng, tạo được uy tín vững vàng của đơn vị trên thị trường, tăng năng suất cho mỗi đợt sấy (sấy đa tầng năng suất 50 - 150kg tươi/mẻ), không phải phụ thuộc vào thời tiết, tiết kiệm điện năng từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận giúp cơ sở rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Về mặt xã hội, việc tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ tăng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và từ đó cơ sở bảo đảm đóng góp cho xã hội, cộng đồng; giải quyết việc làm và bảo đảm chế độ tiền lương, ổn định đời sống cho người lao động.

TIỂU MY - ANH TUẤN