Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến yến sào

Thứ tư, ngày 23/11/2022

(BDO) Sự thành công của đề án góp phần phát triển sản xuất, giảm thiểu tối đa các vấn đề ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm do máy móc hoàn toàn tự động, hạn chế các tác động của con người. Từ đó phát triển mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ để bứt phá trong hoạt động sản xuất.


Hình ảnh buổi nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến yến sào”

Nâng tầm thương hiệu

Theo bà Đặng Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH TM Hoài An (TX.Bến Cát), yến sào ngày càng trở thành loại thực phẩm phổ biến và quen thuộc trong chế độ dinh dưỡng của nhiều gia đình. Chính vì vậy, Công ty Hoài An nỗ lực xây dựng thương hiệu yến sào cao cấp HightNest. Nguyên liệu của yến sào HightNest chính là loại tổ yến nguyên chất 100% được thu hoạch trực tiếp. Nhằm khai thác tiềm năng kinh doanh yến sào để mang lại nhiều lợi nhuận, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường yến trong thời gian qua, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới, tự động tham gia vào sản xuất chế biến để từng bước thay thế phương thức sản xuất chế biến thủ công truyền thống trước đây của công ty và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm một cách tốt nhất.

Bà Đặng Ánh Tuyết cho biết Đề án “Hỗ trợ ứng dụng hệ thống máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến” là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp công ty vượt qua tình hình khó khăn sau đợt dịch bệnh vừa qua. Đồng thời, việc hỗ trợ giúp công ty có thêm điều kiện ứng dụng máy móc, đổi mới thiết bị sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả, cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến đã giúp công ty gia tăng năng suất lên gấp nhiều lần mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm khi xuất xưởng.

Sự thành công của đề án đã góp phần phát triển mặt hàng yến sào của đơn vị, giảm thiểu tối đa các vấn đề ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm do máy móc hoàn toàn tự động, hạn chế các tác động của con người. Từ đó phát triển mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để bức phá trong hoạt động sản xuất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa giúp doanh nghiệp tỉnh nhà vượt qua khó khăn sau dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, việc đầu tư mới máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến yến sào sẽ giúp công ty tự động hóa một số khâu chế biến nhằm nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong chế biến, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng. Đây là nhóm máy móc thiết bị hoàn toàn tự động và khép kín, là máy móc thiết bị chuyên dùng đặc thù của ngành thực phẩm nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm khi xuất xưởng.

Vươn đến mục tiêu xuất khẩu

Bà Trương Thị Thanh Thương, Giám đốc sản xuất công ty, cho biết trước khi đầu tư, công ty sử dụng máy móc thiết bị cũ và phải thao tác thủ công nên năng suất thấp, không đáp ứng thời gian giao hàng. Do thao tác bằng máy móc cũ và phương pháp thủ công nên lo ngại việc bảo đảm vệ sinh, tốn nhiều thời gian và nhân công cho những công đoạn. Đồng thời, chất lượng sản phẩm đôi khi không đạt theo mong muốn và không thể phát triển lớn hơn, vươn tầm cả nước cũng như xuất khẩu.

Sau khi đầu tư, ngoài việc khắc phục được những hạn chế đã nêu, hệ thống máy móc mới đầu tư hoàn toàn tự động và khép kín mang lại hiệu quả rất lớn, tạo ra được sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, loại bỏ hoàn toàn các độc tố nên tốt cho người sử dụng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất lên rất nhiều lần.

Chất lượng được nâng cao nhờ vào quy trình sản xuất khép kín và tính an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao; giảm tối thiểu lượng hao hụt trong quá trình sản xuất: Giảm từ 10% (khi chưa đầu tư máy móc) xuống còn 2%; sản lượng tăng lên 30% so với trước khi chưa đầu tư máy móc; bảo đảm được sản lượng, chất lượng phục vụ khách hàng và xuất khẩu.

Về mặt xã hội, đề án khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường; tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ tăng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và từ đó công ty bảo đảm đóng góp cho xã hội, cộng đồng; giải quyết công ăn việc làm và bảo đảm chế độ tiền lương, ổn định đời sống cho người lao động.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết Công ty TNHH TM Hoài An là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Hiệu quả mang lại sau khi triển khai đề án là rất thiết thực và khả thi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết được việc làm cho lao động, tăng khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Từ đó, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước do hiệu quả đề án mang lại. Trung tâm thực hiện đề án theo đúng nội dung đã đăng ký và thực hiện theo đúng tiến độ đề án đã đề ra; cam kết chưa hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung của đề án này.

Công ty TNHH TM Hoài An đầu tư mới “Máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến yến” do Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam sản xuất, mới 100%, theo hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp. Tổng chi phí đầu tư là 680.000.000 đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng.

TIỂU MY - ANH TUẤN