Hỗ trợ tích cực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Thứ tư, ngày 01/02/2023

(BDO) Nỗ lực cao độ

Bước vào năm mới, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất và nỗ lực thực hiện những mục tiêu của mình. Ông Cao Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors (TX.Tân Uyên), cho biết: “Các DN ngành gỗ đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái ngành từ kinh doanh nguyên liệu đến sản xuất nội thất để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm. Chúng tôi cũng mong muốn có cơ hội hợp tác với các đối tác có chung tầm nhìn để cùng phát triển, mang lại giá trị nhiều hơn nữa cho khách hàng, góp phần xây dựng, phát triển ngành gỗ Việt Nam nói chung và các DN gỗ Bình Dương nói riêng ngày một lớn mạnh sau những khó khăn chung của tình hình thế giới”.

Là đơn vị xuất khẩu các sản phẩm gỗ mang tính mỹ thuật cao, năm 2022 Công ty TNHH DAFI (TX.Tân Uyên) đã vượt qua những khó khăn, duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động. Ông Đào Xuân Tùng, Giám đốc sản xuất công ty, chia sẻ: “Trong năm 2022, dù khó khăn nhưng DN luôn cố gắng vượt qua, duy trì việc làm cho người lao động và khẳng định được vị thế của mình. Điều đáng trân trọng là DN nhận được sự đồng hành từ người lao động, nhất là khoảng thời gian ngặt nghèo nhất. Do vậy năm 2023, công ty sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa các chế độ chăm lo cho người lao động và có chiến lược kinh doanh phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới. Công ty cũng kỳ vọng những khó khăn sẽ qua nhanh và đơn hàng sẽ trở lại dồi dào như trước”.

Sản xuất tại Công ty TNHH Phiên Nhiên, Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên

Bà Lê Thị Trúc Hà, Phụ trách nhân sự Công ty TNHH Phiên Nhiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh), cho biết đến nay công nhân đã trở lại nhà máy làm việc đạt 90% tổng lao động. Đây là tín hiệu đáng mừng của công ty ngay từ đầu năm. Trong năm 2023, công ty sẽ nỗ lực hết mình thực hiện kế hoạch, mở thêm các chuyền may bên cạnh ngành truyền thống là đế giày. Kỳ vọng rằng với sự nỗ lực của ban giám đốc, tập thể người lao động, năm 2023 sẽ đạt được kế hoạch đề ra.

Các DN đều chuẩn bị tinh thần để “vượt bão” bởi dự đoán năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, cộng đồng DN mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc để duy trì hoạt động ổn định. Một số giải pháp có thể thực hiện là giúp DN phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng thương mại điện tử, xúc tiến tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống. Đồng thời, DN mong muốn các cấp, các ngành kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ lãi suất với các khoản vay cho sản xuất, kinh doanh…

Nâng sức cạnh tranh

Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng trên cơ sở những nền tảng sẵn có, Bình Dương cần phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Bình Dương. Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm, kiến nghị lên bộ ngành từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng khả năng cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm “made in” Bình Dương.

Bình Dương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, phát triển chuỗi cung ứng, nâng tầm sản phẩm địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh thăm nhà máy sản xuất Công ty TNHH Sharp Manufacturing Việt Nam. Ảnh: TIỂU MY

Trên thực tế, thời gian qua, Bình Dương đã từng bước hỗ trợ các DN tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, khẳng định: “Tỉnh đặt mục tiêu từng bước hình thành chuỗi ngành công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường, khuyến khích DN tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, tăng năng suất lao động, tạo tiền đề vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Triển vọng đã mở ra khi các DN chú trọng việc cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ. “Đến nay, các DN đã chú trọng hơn trong nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP I), chia sẻ.

UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng ưu tiên đã được xác lập, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Ngành công thương tiếp tục kết nối để DN chủ động tiết giảm chi phí, tích cực tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguồn nhập khẩu. Như vậy, DN vừa giảm chi phí đầu vào, chủ động hơn trong sản xuất; đồng thời tiếp tục tuyên truyền về các hiệp định thương mại giúp DN khai thác, tận dụng tối đa các lợi thế, cơ hội để mở rộng đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Ngành sẽ theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của từng sự kiện đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng, DN.

TIỂU MY