Hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp bền vững

Thứ sáu, ngày 22/03/2024

(BDO) Nhằm khuyến khích phát triển cụm công nghiệp (CCN), Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, phát triển CCN có những ưu đãi mới thay thế các nghị định trước đó. Đây là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Bình Dương khi chủ trương di dời DN từ phía nam lên phía bắc của tỉnh đang được triển khai.

 Các DN ngành gỗ đề xuất phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành để thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại một DN gỗ trên địa bàn TP.Thuận An

Mở cánh cửa pháp lý

Theo Sở Công thương, từ ngày 1-5-2024, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN được chính thức áp dụng thực hiện đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN. Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế, tín dụng và quy định khác có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Cụ thể, đối với hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN sẽ có các nguồn khác nhau. Ngân sách địa phương (bao gồm thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương) cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn, ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động. Hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống… theo quy định của Luật Đầu tư công 2019 và Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

Trong đó, Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong CCN. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN.

Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động phát triển CCN do Bộ Công thương thực hiện gồm điều tra, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu CCN; tổ chức hội nghị, hội thảo, phối hợp xúc tiến đầu tư CCN, thông tin tuyên truyền, in ấn, xuất bản tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, chính sách về CCN; khảo sát, đánh giá, xây dựng chính sách, mô hình quản lý, kinh nghiệm phát triển CCN ở trong và ngoài nước; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định các mô hình phát triển CCN hiệu quả, bảo vệ môi trường; tổ chức hướng dẫn, công nhận đối với các mô hình phát triển CCN; tổ chức khen thưởng, tổng kết, xây dựng báo cáo định hướng phát triển.

Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động phát triển CCN do địa phương thực hiện gồm hoạt động phát triển CCN, xúc tiến đầu tư, điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào CCN; lập, thẩm định thành lập, mở rộng, quy hoạch chi tiết xây dựng, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến CCN; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong CCN, CCN làng nghề. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Kinh phí hoạt động phát triển CCN là nguồn kinh phí sự nghiệp, được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 CCN với tổng diện tích 789,91 ha, trong đó 10 CCN đi vào hoạt động với diện tích 648,29 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 67,4%. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh 3 CCN ra khỏi quy hoạch phát triển. Sở Công thương cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định ban hành bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổng hợp hồ sơ và trình Hội đồng chấm điểm CCN Tam Lập 2, huyện Phú Giáo.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đang thực hiện công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát và bổ sung một số CCN. Cùng với đó, sở tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và đang thực hiện công tác quy hoạch bổ sung một số CCN ở địa bàn phía bắc để các DN di dời vào. Đồng thời, sở xây dựng phương án quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số CCN chuyên ngành để phục vụ các DN ở phía nam di dời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết rất mong được tỉnh tạo điều kiện để phát triển CCN Tam Lập 2 theo hướng bền vững, thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện ngành công nghiệp da giày. “Chúng tôi nỗ lực trong hành trình sản xuất, kinh doanh hướng đến Net Zero để phát triển ngành mang tính lâu dài”, ông Trung cho biết.

 Nghị định 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ giao UBND cấp huyện có trách nhiệm quyết định hỗ trợ đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN; phê duyệt, thực hiện kế hoạch di dời DN, cơ sở sản xuất vào CCN và phát triển CCN trên địa bàn.

 TIỂU MY