Hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật, một việc làm nhân văn
(BDO) Sau thời gian tạm ngưng do tình hình phức tạp bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, chương trình phối hợp liên ngành nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ sở tôn giáo, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tiếp tục được triển khai thực hiện. Đây là một việc làm cần thiết và rất nhân văn.
Luật sư Lê Thị Liên đang tư vấn cho một người mù ở TX.Bến Cát
Những ngày qua, các Phòng Tư pháp, tổ chức tôn giáo, Hội Người mù các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý, thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 tại các địa phương. Các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý này nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống, xã hội của chức sắc, chức việc, nhân dân tham gia hoạt động tín ngưỡng trong các cơ sở tôn giáo, tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.
Riêng với người khuyết tật, cụ thể là hội viên mù trong toàn tỉnh sẽ được đối thoại để tìm hiểu về chính sách pháp luật, trợ giúp pháp lý và tư vấn tại chỗ những điều bà con quan tâm. Tham dự buổi tư vấn pháp luật trực tiếp ở TX.Bến Cát mới thấy hết ý nghĩa của hoạt động này. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tại TX.Bến Cát đã giúp 75 hội viên người mù hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật liên quan, trợ giúp pháp lý về những vấn đề bà con đang thắc mắc, nhờ tư vấn.
Chị Nguyễn Thị Mộng, một người mù ở khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, TX.Bến Cát đã đến từ rất sớm để được nghe luật sư tư vấn. Chị nói nên có những buổi tư vấn tuyên truyền pháp luật cụ thể như thế này. “Chúng tôi thường bối rối vì không biết rõ các thủ tục hành chính cũng như đường đi nước bước khi có nhu cầu hoàn thành hồ sơ, tìm hiểu về quyền lợi của mình, vì vậy được tư vấn như thế này là rất quý!”- Chị Mộng chia sẻ.
Trong số 12 ý kiến nhờ luật sư tư vấn hôm đó, có đến 10 vấn đề liên quan đến đất đai và quyền thừa kế. Có người hỏi nhà có 4 anh em, bố mẹ mất hết nay làm sao chia nhà đất? Có người hỏi khai sinh, hộ khẩu đã mất từ lâu nay làm sao đủ điều kiện làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?… 2 ý kiến còn lại hỏi về chế độ chính sách dành cho người khuyết tật. Luật sư Lê Thị Liên, Giám đốc Công ty Luật Việt Việt (TX.Bến Cát), đã tận tình giải đáp những thắc mắc của bà con. Chị trình bày đơn giản nhất về các thủ tục cần thiết khi làm các hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phân chia tài sản theo quyền thừa kế đúng với quy định của pháp luật… Những người khiếm thị hôm đó cho biết họ rất vui khi biết rằng họ được miễn phí hoàn toàn khi cần hỗ trợ vấn đề liên quan đến pháp lý, có thể đến văn phòng luật sư, gặp cán bộ tư pháp nhờ tư vấn và được hỗ trợ không tính phí…
Anh Lê Hoàng Phong, Chủ tịch Hội Người mù TX.Bến Cát, cho biết: “Tôi may mắn học công nghệ thông tin và tìm hiểu mọi điều mình cần biết khá dễ dàng từ internet. Tuy nhiên đối với bà con bị mù, nhất là người lớn tuổi rất khó tìm hiểu những gì họ cần. Thế nên những buổi tư vấn pháp lý trực tiếp như thế này thật sự ý nghĩa. Bà con hỏi đúng những điều mà họ đang thắc mắc mà lâu nay không biết hỏi ai nên ai nấy đều rất vui!”.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó Phòng Tư pháp TX.Bến Cát, cho biết đợt tuyên truyền này nằm trong kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 của UBND TX.Bến Cát. Với người mù, họ cần được tìm hiểu, tư vấn về pháp lý nên đoàn gồm các thành viên của Phòng Tư pháp, Thừa phát lại, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, luật sư đã đến tận nơi để giúp bà con hiểu rõ hơn về chính sách, những quyền lợi họ nhận được cũng như hỗ trợ cho con em họ về giáo dục, việc làm, thực hiện thủ tục liên quan khi có tranh chấp quyền lợi xảy ra... |
QUỲNH NHƯ