Hỗ trợ nông dân trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP
(BDO) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO vừa tổ chức buổi lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho các hộ tham gia dự án “Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương”.
Đại diện các ngành chức năng trao giấy chứng nhận VietGAP cho các hộ nông dân tham gia dự án
Hiệu quả kinh tế cao
Thực hiện Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 31-8- 2020 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt dự án “Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay khi dự án được phê duyệt.
Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái nhằm cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, dự án tập trung thực hiện trên địa bàn các xã, phường ven sông Sài Gòn thuộc TP.Thuận An và xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Các nội dung thực hiện bao gồm xây dựng các mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn quả đặc sản; hỗ trợ chứng nhận VietGAP trồng trọt cho nhà vườn trồng cây ăn quả đặc sản trong vùng dự án; đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng làm du lịch sinh thái vườn, kiến thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch sinh thái vườn; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham quan học tập mô hình du lịch sinh thái vườn.
Dự án với mục tiêu cụ thể, như: Xây dựng 2 mô hình/7 điểm du lịch sinh thái vườn cây ăn quả đặc sản ở TP.Thuận An (4 điểm) và xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên (3 điểm). Đây là những mô hình, điểm đến cho du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, tìm hiểu về tập quán canh tác và thưởng thức những trái cây ngon, đặc sản của tỉnh; tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, hình thành hệ thống du lịch sinh thái vườn… Loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Thông qua đó, người nông dân có thể quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững hơn.
Kết quả, trong đợt triển khai thực hiện có 20 hộ nông dân tham gia dự án đều được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, 10 hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và 10 hộ trồng măng cụt ở địa bàn TP.Thuận An (5 hộ ở phường An Thạnh, 2 hộ ở phường Hưng Định, 3 hộ ở xã An Sơn). Đây cũng là điều kiện tốt để khẳng định chất lượng của quả bưởi ở Bạch Đằng và quả măng cụt ở Thuận An, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng và thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Lê Anh Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX.Tân Uyên, cho biết tầm quan trọng của VietGAP, quy trình sản xuất VietGAP là tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn. Thời gian qua, các cấp lãnh đạo luôn tạo điều kiện, khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, tiến tới sản xuất hữu cơ. Đồng thời, ông cũng mong rằng các hộ nông dân được cấp chứng nhận VietGAP luôn tuân thủ những quy định VietGAP để bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường đạt chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hướng đi tất yếu
Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết tiêu chuẩn VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận sẽ giúp đơn vị sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tăng giá trị cũng như lợi thế cạnh tranh.
Nhằm bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả các lợi thế từ các vườn cây ăn quả đặc sản ven sông, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ người dân và du khách, thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục xác định tập trung thực hiện một số giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn; theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn quả phù hợp, hiệu quả cho từng vùng. Đặc biệt, ngành nông nghiệp ưu tiên phát triển các loại, giống cây đặc sản, có nhãn hiệu, có lợi thế cạnh tranh thị trường. Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng sản xuất cây có múi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường việc sản xuất cây ăn quả đặc sản theo chuỗi có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất cây có múi nhằm thu hút những nông dân cùng sinh hoạt theo các chuyên đề, đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất bảo đảm truy nguyên nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả đặc sản, đặc biệt là đề xuất các chính sách khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, lồng ghép tốt các chương trình liên quan và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách tốt nhất.
THOẠI PHƯƠNG