Hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cũng ngày càng tăng cao. Nắm bắt được xu thế đó nên Hội Nông dân (HND) xã Thạnh Phước đã và đang tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của mình theo hướng đạt hiệu quả cao...
Thạnh Phước đang cố gắng đẩy mạnh mô hình trồng RAT. Trong ảnh: Mô hình trồng khổ qua phủ bạt của gia đình anh Ngô Văn Hạnh (ấp Cây Đa)
Phát triển nhiều mô hình sản xuất
Là địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, hiện tổng diện tích đất gieo trồng của xã đạt 466 ha, trong đó diện tích cây lúa 352 ha, rau màu 114 ha. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định với đàn trâu bò 250 con, đàn heo 1.279 con, đàn gia cầm 5.659 con và được người dân chú ý chăm sóc không để xảy ra dịch bệnh, mang lại giá trị sản lượng ước đạt 15,470 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2011. Hộ nghèo trong toàn xã theo tiêu chí mới (thu nhập 800.000 đồng/người/tháng) đã giảm từ 14 hộ xuống còn 11 hộ. Trong những tháng qua, HND Thạnh Phước đã tích cực đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo và làm giàu bằng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân (QHTND) với số vốn là 9 triệu đồng và QHTND do tỉnh ủy thác từ dự án sản xuất rau an toàn (RAT) là 100 triệu đồng, hỗ trợ cho 14 hộ vay sản xuất và vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là 200 triệu đồng cho 20 hộ nông dân vay.
Trước xu hướng phát triển nhanh của nền nông nghiệp chất lượng cao, HND xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân như: tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón mầm xanh; tập huấn kiến thức sử dụng biogas; tham quan học tập mô hình sản xuất RAT tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng); hướng dẫn sử dụng phân bón VIDAN; tổ chức lớp học IPM sản xuất RAT và có 18 học viên đã được Chi cục BVTV cấp giấy chứng nhận; giới thiệu 1 hộ nông dân ký hợp đồng làm điểm thực nghiệm sản xuất RAT với số tiền 1,5 triệu đồng; khảo sát và giới thiệu 3 hộ nông dân cho Trạm Khuyến nông huyện tiến hành chuyển giao thực hiện dự án trồng hoa huệ đỏ với diện tích 600m2 với kinh phí hỗ trợ là 6 triệu đồng. Ngoài ra, việc nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao theo hướng VietGAP tại trang trại sản xuất rau Hồ Hải do kỹ sư Trần Thị Thúy đăng ký thực hiện đã vận động được 38 nông dân tham gia theo kế hoạch của huyện hội triển khai. Đây là một “điểm nhấn” mới cho hoạt động sản xuất RAT Thạnh Phước. Phương pháp trồng rau thủy canh đã được nhiều quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ở nước ta thì đây vẫn là mô hình mới, còn xa lạ với nông dân nhưng nhờ được sự hỗ trợ về kỹ thuật mà trang trại sản xuất rau Hồ Hải đã mạnh dạn đầu tư và tự tìm kiếm đầu ra với nguồn thu hàng tháng từ mô hình
trồng rau này ước đạt 7 triệu đồng/tháng. Ưu điểm của phương pháp này là tạo được môi trường dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng, kiểm soát được chất dinh dưỡng, nhờ vậy có thể giảm chi phí đầu tư phân bón. Quan trọng hơn, trồng rau thủy canh loại trừ được thuốc trừ sâu vì có thể kiểm soát được sâu bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc rau sẽ “sạch” thật sự.
Cần sự hỗ trợ nhiều hơn
Khi được hỏi về hướng phát triển mô hình trồng cây thủy canh thì được ông Lê Hiếu Nhân - Chủ tịch HND xã Thạnh Phước cho biết: “Mô hình này ở Bình Dương đang có rất ít, Thạnh Phước muốn phát triển cây rau màu theo hướng RAT và đặc biệt muốn mở rộng mô hình trồng cây thủy canh. Tuy nhiên, cái khó là ở chỗ nông dân rất “ngán” đầu tư do vốn nhiều mà đầu ra lại khó, với người thu nhập bình thường chưa thể đầu tư nổi. Ví như diện tích 200m2 sẽ phải đầu tư chi phí 100 triệu đồng, với số vốn quá lớn như vậy người dân không đủ khả năng đáp ứng được. Hơn nữa, rau lại không được vào các siêu thị do mức giá bán của nó khá cao”. Theo thống kê, toàn xã Thạnh Phước hiện nay có diện tích trồng cây rau màu rất đa dạng như: Cây hành, khổ qua, bạc hà, cải, cà pháo... Tuy nhiên, trong tổng diện tích cây trồng thì xu hướng phát triển theo mô hình RAT vẫn còn khá khiêm tốn do người dân loay hoay tìm kiếm đầu ra và kinh phí đầu tư khá lớn.
Trước thực trạng khó khăn đó, nông dân xã Thạnh Phước rất cần sự hỗ trợ thêm về nhiều mặt của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để hoạt động sản xuất được phát triển có hiệu quả và trở thành một điểm sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu trên toàn tỉnh.
THANH LÊ