Hỗ trợ người dân tộc thiểu số thi cấp giấy phép lái xe mô tô

Thứ tư, ngày 09/12/2015

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã vươn lên ổn định cuộc sống. Nhiều hộ ĐBDTTS mua sắm xe mô tô để thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng, tỷ lệ người DTTS có bằng lái xe mô tô vẫn còn ít, do đó tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án, chương trình hỗ trợ để họ có giấy phép lái xe (GPLX), được học Luật Giao thông đường bộ.

(BDO)

 Thực hiện Đề án “Đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe đối với ĐBDTTS có trình độ thấp” người DTTS sẽ được giản lược bớt phần lý thuyết nhưng vẫn phải thi thực hành. Trong ảnh: Bài sát hạch đi qua hình số 8

 Anh Thái Văn Thôi, cán bộ nòng cốt làm công tác dân tộc tại xã Phú An, TX.Bến Cát cho biết, trên địa bàn xã Phú An có khoảng 22 hộ là ĐBDTTS. Họ chủ yếu đến từ Sóc Trăng, Trà Vinh ở trọ và làm công nhân trong các công ty. Ở đây, nhiều người không có GPLX nhưng vẫn có thể mua xe vì nhờ người khác đứng tên. Sau đó, chiếc xe làm phương tiện đi lại từ nhà trọ đến công ty nên rất ít người đi học, thi để lấy GPLX.

Cũng vì không có GPLX, không nắm luật nên có một số trường hợp điều khiển xe máy trong lúc say xỉn đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ và bị lực lượng cảnh sát giao thông thu giữ phương tiện. Lúc này, họ mới biết tầm quan trọng của việc học, lấy GPLX. Anh Danh Văn Tuấn (người Khme) tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng kể lại, vài tháng trước, anh đi đám cưới ở TX.Bến Cát, do có hơi men nên chạy xe lấn tuyến. Anh bị cảnh sát giao thông giữ xe và hỏi GPLX. Lúc này, anh mới “nhớ” là mình chưa thi bằng lái. Sau đó, anh về đăng ký học và thi GPLX.

Lo ngại mất an toàn giao thông, đồng thời góp phần đảm bảo tính mạng cho bà con DTTS, các ngành chức năng trong tỉnh và địa phương đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi với hy vọng ĐBDTTS đều có GPLX để nắm luật giao thông. Chị Danh Thị Thu Thảo, cán bộ nòng cốt làm cán bộ dân tộc tại phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một bộc bạch, phường Tân An có 90 hộ người Chăm và Khme. Để thanh niên ĐBDTTS trong phường tự giác đi thi GPLX, phường đã tích cực tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, hỗ trợ cho họ đi thi. Chị Thảo nói thêm: “Tâm lý xưa nay của bà con ĐBDTTS là rất ngại đến lớp học, nhưng nhờ tuyên truyền phổ biến tốt, giảm học phí nên bà con đã cùng nhau đi học”.

Tuy nhiên, trong quá trình đi học, thi lấy GPLX, vấn đề lo ngại nhất của người DTTS là trình độ học vấn thấp khó tiếp thu, hoặc không biết chữ để học thi lý thuyết. Theo Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, năm 2012, gần 100 người DTTS tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đi thi GPLX nhưng chỉ có hơn 10 người đạt. Lý do, trình độ thấp khó nhớ lý thuyết, hoặc không biết đọc viết, cộng với việc thi thực hành khá khó nên việc lấy được GPLX là một khó khăn đối với họ. Do đó, họ đã kiến nghị lên huyện, UBND huyện kiến nghị Phòng Dân tộc tìm cách hỗ trợ giảm lý thuyết, giảm lệ phí thi…

Trước yêu cầu đó, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã không ngừng thay đổi linh hoạt phương pháp tổ chức giảng dạy với từng trường hợp khác nhau. Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GT-VT, trước thực trạng nhiều người DTTS chưa có GPLX mô tô, Sở GT-VT đã phối hợp với Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh thực hiện Đề án “Đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe đối với ĐBDTTS có trình độ thấp”. Đề án này được thực hiện sẽ có nhiều người DTTS có GPLX, giúp họ nắm luật để bảo đảm tính mạng cho mình và những người xung quanh khi lưu thông trên đường.

Theo đề án, phương pháp đào tạo chủ yếu bằng trực quan, hình ảnh, hỏi đáp, nếu có điều kiện thì sử dụng giáo viên biết tiếng dân tộc để giảng dạy; thời gian học có thể tăng lên so với quy định nhưng không thu thêm lệ phí. Đáp án được đục lỗ sẵn theo từng câu hỏi thi dựa trên đáp án của tài liệu 150 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ và Nhà xuất bản. Phương pháp sát hạch phần lý thuyết thực hiện bằng trắc nghiệm trên giấy hoặc hỏi đáp. Đối với người dự thi nếu đọc, viết được tiếng Việt thì thực hiện rà soát bằng trắc nghiệm trên giấy; người dự thi không đọc, không viết được tiếng Việt thì thực hiện sát hạch bằng phương pháp vấn đáp. Kết quả, học viên trả lời đạt từ 8 câu hỏi trở lên trên tổng số 12 câu hỏi thì được công nhận đạt phần sát hạch lý thuyết. Về thực hành, thí sinh thực hiện 4 bài sát hạch gồm: Bài sát hạch đi qua hình số 8, vạch đường thẳng, đường có vạch cản, đường gồ ghề.

 THIÊN LÝ