Hỗ trợ ngành gỗ phát triển đúng tiềm năng và lợi thế
(BDO) Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai thế giới, đây cũng là ngành hàng xuất khẩu duy nhất liên tục tăng trưởng hai con số nhiều năm qua, tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động. Năm 2021, dù khó khăn do dịch bệnh song kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ ước đạt hơn 14,5 tỷ USD. Trong đó, có đóng góp quan trọng của ngành chế biến gỗ Bình Dương.
Ngành gỗ Bình Dương cần đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, quản trị nhà máy thông minh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Phú Đỉnh, Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng
Nắm bắt cơ hội
Toàn tỉnh hiện có 1.215 donh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong đó, có 905 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng, 310 DN nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu ngành gỗ Bình Dương chiếm tỷ trọng 18,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Các DN đã và đang nỗ lực nắm giữ thị trường trong bối cảnh ngành gỗ gặp nhiều khó khăn lớn do dịch bệnh và giá cước vận tải tăng cao trên toàn cầu.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân, sau thời gian chống dịch hiệu quả, Bình Dương đã bước sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh, trong đó có ngành gỗ đã khôi phục sản xuất, số lượng lao động trở lại làm việc đạt khoảng 80%. Ngành gỗ đang đứng trước triển vọng phát triển và bứt phá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các DN ngành gỗ cũng cần nhìn nhận ra những tồn tại hạn chế như trình độ công nghệ đổi mới cũng còn chậm, thâm dụng nhiều lao động. Việc áp dụng chuyển đổi số, quản trị nhà máy thông minh còn hạn chế, giá trị gia tăng trong một đơn vị sản phẩm chưa cao. Ông Mai Hùng Dũng đề nghị Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và các thành viên phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành. Tham mưu cho UBND tỉnh những vấn đề quản lý, hỗ trợ để góp phần phát triển ngành gỗ một cách bền vững.
Ông Điền Quang Hiệp, thành viên BIFA khẳng định, những năm tới, ngành chế biến gỗ tỉnh sẽ giữ vững doanh số xuất khẩu chiếm 50% doanh số xuất khẩu của cả nước. BIFA quyết tâm kết nối trong cộng đồng DN ngành chế biến gỗ để đạt được mục tiêu doanh số xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025; tích cực phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành nhằm tránh đi sự đầu tư trái phép, gian lận thương mại gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và hình ảnh của ngành chế biến gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tìm hướng đi bền vững
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng nền nông nghiệp, lâm nghiệp đang đối mặt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và chuyển đổi xu thế tiêu dùng. Vì thế, các DN ngành gỗ cần kéo dài chuỗi ngành hàng, đa dạng hóa sản phẩm tích hợp đa giá trị để tạo giá trị gia tăng. Trong ngành gỗ, tất cả đều có thể tạo ra giá trị từ những cái nhỏ nhất, đó là cách tạo thương hiệu và giá trị. Tất cả các DN chế biến gỗ có thể ứng dụng để tạo ra hàng loạt những sản phẩm mới, ngành hàng mới và tạo ra hệ sinh thái.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn các DN gỗ Bình Dương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có nhiều hoạt động mới mẻ hơn nữa để tạo ra giá trị mới. Việc thay đổi để phát triển là yêu cầu gấp rút đối với các DN để theo kịp, để không bị lạc hậu các chiến lược, chính sách, kế hoạch thực hiện. Ngành gỗ rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương. Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định Bình Dương sẽ quan tâm đặc biệt tới ngành gỗ, luôn đồng hành cùng BIFA, tạo điều kiện để phát triển bền vững.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn, từ đó tạo nên rất nhiều sự chuyển biến về thương mại, chính sách và các yếu tố khác liên quan đến ngành gỗ. Đại dịch Covid-19 vẫn đang ở tình trạng nguy hiểm, vấn đề nhức nhối cho DN đó là nguồn cung lao động, nguồn cung nguyên liệu cũng như giá thành. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dẫn đến giá thành nguyên liệu bị tăng lên đột biến, gây rất nhiều khó khăn và thách thức đối với DN. Tác động của dịch bệnh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề logictics, giá thành vẫn chuyển tăng đột biến nhưng nguồn cung về dịch vụ vận chuyển vẫn đang thiếu hụt. Ngành gỗ rất cần sự hỗ trợ từ các bộ ngành, chính quyền địa phương để phát triển bền vững”. (Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA) |
TIỂU MY