Hỗ trợ máy thở cho Bệnh viện Đa khoa Bình Dương

Thứ sáu, ngày 08/06/2012

Sở Y tế TP.HCM cho biết cùng với việc hỗ trợ 1 máy thở cho Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Dương, Sở Y tế TP.HCM còn hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp 2 máy thở cho BV Hữu nghị Đồng Tháp và BV Đa khoa Sa Đéc; Hỗ trợ tỉnh An Giang một máy thở cho BV Đa khoa tỉnh An Giang; Một máy thở cho BV Nhi Đồng Đồng Nai. Các BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhiệt Đới sẽ phụ trách chỉ đạo tuyến hỗ trợ tập huấn các BV trên sử dụng máy thở để phục vụ chữa trị bệnh - tay - chân - miệng (TCM).  Bệnh nhi TCM phải thở máy tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM)

Báo cáo về tình hình bệnh TCM,  T.S Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu năm cho đến nay, cả nước ghi nhận 46.277 trường hợp, tử vong 27 trường hợp. Trong tháng 5-2012 cả nước có 6.569 trường hợp mắc và có 6 trường hợp tử vong. Số ca mắc giảm hơn so với tháng 4-2012 (14.930 trường hợp) tuy nhiên số tử vong lại tăng hơn 3 trường hợp so với tháng 4-2012. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc tăng 10,2 lần, tử vong tăng 1,7 lần. Qua phân tích sơ bộ các trường hợp tử vong, kết quả cho thấy có tới 88,9% trường hợp tử vong là do chủng vi-rút EV71 gây bệnh...

Để giảm tử vong trong thời gian tới, Tiểu ban điều trị và Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tiếp tục xây dựng, cập nhật các hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị. Theo đó Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ phối hợp với Cục Y tế Dự phòng và các BV được sự hỗ trợ của WHO sẽ nghiên cứu bệnh TCM trên hai giai đoạn: giai đoạn 1 nghiên cứu các trường hợp tử vong; giai đoạn 2, nghiên cứu các trường hợp nặng... tăng cường đầu tư trang thiết bị thành lập đơn nguyên điều trị TCM nếu đủ điều kiện hoặc thiết lập tuyến chuyển bệnh nhân cho phù hợp và chọn bệnh viện hỗ trợ kỹ thuật thuận lợi nhất. Ngoài ra, các tỉnh phải xây dựng một đội ngũ nòng cốt điều trị TCM. Tập huấn phổ biến lồng ghép về hướng dẫn chẩn đoán điều trị các bệnh TCM, cúm A, não mô cầu...

Để giảm khả năng lây bệnh TCM, có khuyến cáo hạn chế người nhà bệnh nhi vào thăm nếu không bảo đảm các biện pháp vệ sinh dự phòng, tránh lây nhiễm chồng chéo; trong công tác điều trị, cần phân độ chính xác để xử lý kịp thời các trường hợp nguy hiểm; nên lọc máu sớm, tránh để đến độ 4 ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của bệnh nhân; nên có thêm các phác đồ về hô hấp, tuần hoàn, lọc máu để các BV tuyến dưới dễ sử dụng, để hạn chế TCM, các BV tỉnh phải thành lập các khu điều trị riêng cho bệnh nhân TCM.

Ngọc Tâm