Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch: Ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất
(BDO)
Nhiều ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất cho vay. (Ảnh: Vietnam+)
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi sự đồng lòng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã công bố mức giảm lãi suất, đối tượng cụ thể.
Khác với những lần trước, đợt giảm lãi suất lần này, đa số các tổ chức tín dụng đã đưa ra sự hỗ trợ trực tiếp đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề là lĩnh vực du lịch, nhà hàng, vận tải; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại vùng dịch, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn…
Mức giảm cao nhất lên đến 2%
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, các tổ chức tín dụng này đã nhanh chóng đưa ra mức hỗ trợ của mình dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Giảm mạnh nhất đến thời điểm này là BIDV với mức giảm lên đến 2%. Theo đó, từ nay đến 31/12, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368.000 tỷ đồng.
Cũng từ nay đến 31/12, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Cũng đối với khoản vay từ nay đến cuối năm, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên.
Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VND của nhà băng này.
Dự kiến, với các khách hàng thuộc đối tượng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3%-4%/năm).
Khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất được giảm lãi suất 1,5%/năm; khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở được giảm lãi suất 2%/năm (địa bàn khu vực phía Nam) và giảm 1,5% đối với các khách hàng ở địa bàn khác. Khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm lãi suất 1%/năm so với mức hiện tại.
Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng công bố gói hỗ trợ khách hàng với tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này ước tính gần 45.000 tỷ đồng. Mức giảm lãi suất sẽ dao động từ 0,5%-1,2% cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: "TPBank đã triển khai quyết liệt các giải pháp về tín dụng như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, giảm phí dịch vụ, cho vay mới... để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn, trung và dài hạn của chúng tôi đã giảm khoảng gần 3% so với năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có lãi suất cho vay khá thấp trong hệ thống."
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng cho biết, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn từ nay đến 15/10.
ACB sẽ xét đến mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ACB để có mức giảm lãi suất phù hợp cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đang vay tại ACB.
Một số ngân hàng khác như VPBank cũng giảm lãi suất cho khách hàng từ 1%-1,5% đối với khoản vay trung dài hạn và khoản vay tín chấp mới; Ngân hàng Bản Việt cũng sẽ căn cứ vào thực trạng của doanh nghiệp sẽ được ngân hàng đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí...
Các ngân hàng cũng cho biết thêm, riêng đối với các lĩnh vực, sản phẩm tiềm ẩn rủi ro cao (kinh doanh bất động sản, chứng khoán) đều chưa xem xét giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.
Lợi nhuận có thực sự giảm?
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
Tương tự, tại BIDV, 6 tháng đầu năm ngân hàng này cũng đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới.
Agribank cũng ước tính với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này ngân hàng sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, phần lớn các tổ chức tín dụng đều giảm ít nhất 1%/năm cho tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó tại thời điểm này đến hết năm 2021, đây là một trong những tín hiệu rất đáng mừng.
"Các ngân hàng sẽ tự điều chỉnh mức giảm, tự phân loại khách hàng để giảm lãi suất. Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cam kết sẽ đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, sẽ giảm lãi cho đúng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh," ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá thực tế cho thấy không phải bây giờ mà suốt từ đầu tháng 4/2020 đến nay, nhiều ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Việc giảm lãi vay có diễn ra trên diện rộng và giảm nhiều hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài ra doanh nghiệp có đáp ứng được tiêu chí, điều kiện hưởng thụ được dòng vốn giá rẻ hay không lại là vấn đề./.
Theo TTXVN