Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức

Thứ sáu, ngày 30/08/2024

(BDO) Trong những tháng cuối năm 2024, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, các DN đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như thiếu lao động, chi phí đầu vào, vận tải tăng, yêu cầu khắt khe từ khách hàng…

 Doanh nghiệp ngành gỗ đang đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu công nghệ ngành gỗ tại Hội chợ BIFA WOOD VIETNAM 2024 tổ chức tại Bình Dương vừa qua

 Nhiều đơn hàng nhưng lắm thách thức

8 tháng năm 2024, tình hình sản xuất, xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc; nhiều DN có đơn hàng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Phạm Ánh Dương, Giám đốc Công ty Xây dựng và sản xuất MDF Hải Dương (TP.Tân Uyên), cho biết so với cùng kỳ năm trước công ty đạt mức tăng trưởng 50%. Hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 3-2025. Với sự phục hồi từ thị trường, công ty kỳ vọng mở ra hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đẩy mạnh liên kết tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, các DN đã chú trọng khai thác thị trường nội địa, cũng như tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tìm kiếm, đa dạng thị trường tiêu thụ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trưởng cao, điển hình như mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ; trong tháng 7-2024 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 537,2 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành may mặc cũng có những bước khởi sắc. Chị Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Pungkook Sai Gon III (TP.Thuận An), cho biết hiện công ty có đơn hàng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty đang cần tuyển thêm ít nhất 1.000 lao động để bảo đảm giao sản phẩm đúng thời gian cho khách hàng. Trong khi đó, Công ty May mặc Bowker Việt Nam (TP.Thuận An) cũng đang có nhiều đơn hàng mới. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng công ty tiêu thụ khoảng 1 triệu sản phẩm, tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái. Cái khó của công ty hiện nay là đang thiếu hụt lao động. Ngoài thông báo tuyển dụng tại trụ sở công ty, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng sớm tuyển dụng đủ lao động trong thời điểm hiện nay.

Bên cạnh thiếu lao động, DN cũng còn gặp khó khăn do chi phí đầu vào vẫn cao và có xu hướng tăng. Đối với ngành gỗ, ngoài khó khăn nói trên, khách hàng còn yêu cầu khắt khe hơn trước, thời gian giao hàng cũng phải nhanh hơn.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Panko VINA (TP.Bến Cát)

Đồng hành, hỗ trợ

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết với vị thế là thủ phủ ngành gỗ của cả nước, khó khăn của DN Bình Dương hiện nay cũng là khó khăn chung của ngành gỗ xuất khẩu của cả nước.

“Theo phản ảnh của DN, hiện cước vận tải biển đi các thị trường xa như Mỹ, Liên minh châu Âu tăng lên 7.000 - 8.000 USD/container, trong khi tháng trước đó cước phí này chỉ từ 3.000 - 4.000 USD/ container. Dù DN trong nước chủ yếu là xuất FOB (giá không bao gồm chi phí vận chuyển đường biển), song khi giá cước tăng cao buộc các nhà nhập khẩu phải đàm phán với nhà xuất khẩu để điều chỉnh giá cả. Điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho DN trong nước do sản phẩm gỗ cồng kềnh, chi phí vận tải biển lớn. Không chỉ cước phí tăng cao, các DN còn gặp khó khăn do thiếu tàu biển và container rỗng để vận chuyển hàng. Trên thực tế, các DN phải chờ đợi rất lâu, thậm chí rất khó khăn để hàng được vận chuyển đi, khiến phụ phí tại các cảng biển cũng tăng lên đáng kể.”, ông Ngô Sỹ Hoài dẫn chứng.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh (VCCI TP.Hồ Chí Minh), đánh giá: Việt Nam có nền kinh tế mở nên dễ bị tác động bởi lạm phát do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh cũng đã ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu của Việt Nam. Mặt khác, xung đột địa chính trị cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh trong nước, cụ thể là làm gián đoạn, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, nguồn cung nguyên liệu...

Ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, các DN cần chú trọng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, các chứng chỉ quốc tế cần thiết; tìm kiếm các thị trường phi truyền thống, nhằm đa dạng hóa thị trường đầu ra của sản phẩm gỗ và nội thất để có thể bảo đảm tăng trưởng bền vững.

 Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP.Hồ Chí Minh: “VCCI sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm nhà cung cấp, nhà phân phối, trao đổi thông tin, cập nhật xu hướng mới, tăng lượng khách hàng tiềm năng, khai thác thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ tổ chức kết nối, giao thương giữa các DN, ký kết hợp tác giúp DN tiếp cận thị trường tiềm năng, khai thác và phát triển thương mại trên nền tảng số, nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp quá trình chuyển đổi số.

 TIỂU MY