Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số

Thứ hai, ngày 13/11/2023

(BDO) Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó các DN nhỏ và vừa càng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới mô hình kinh doanh trên cơ sở chuyển dần hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống sang dựa trên các nền tảng số trở nên cấp thiết.

Chuyển đổi số (CĐS) trong DN là quá trình tích hợp công nghệ vào quy trình, mô hình hoạt động của DN. CĐS có thể ứng dụng cho tất cả phòng, ban từ sản xuất, nhân sự đến tài chính, chăm sóc khách hàng. Do đó, CĐS trong DN không chỉ đơn thuần là ứng dụng phần mềm số mà là sự thay đổi từ chiến lược, tư duy đến cấu trúc con người của toàn bộ bộ máy hoạt động của DN. 

Đối với các DN, việc chuyển hoạt động sản xuất từ kinh doanh truyền thống sang phương thức dựa trên các nền tảng số ngày càng trở nên cấp thiết. Ảnh minh họa

Theo thống kê từ ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có khoảng 65.000 DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%. Ghi nhận cho thấy, hiện trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của phần lớn các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức trung bình; nhiều DN vẫn còn sử dụng công nghệ cũ. Vì vậy, trong bối cảnh chịu tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, việc tái cấu trúc lại bộ máy và CĐS là vấn đề sống còn của các DN nhỏ và vừa. 

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới ngành chức năng tỉnh cần lựa chọn các nền tảng số xuất sắc trong các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế để giới thiệu, tư vấn cho các DN xem xét, ứng dụng. Đồng thời, tổ chức trao đổi, kết nối thông tin giữa các DN có nhu cầu CĐS và các DN cung cấp giải pháp CĐS xuất sắc; ký kết thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác với các DN cung cấp giải pháp CĐS xuất sắc để hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình liên quan đến hoạt động của DN. Qua đó hỗ trợ, hướng dẫn DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, xử lý thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, để DN nhỏ và vừa thực hiện CĐS thành công cần xác định những giải pháp cụ thể và thực hiện một cách đồng bộ, tích cực.

Nằm trong các hoạt động trọng tâm của công tác CĐS trong DN, UBND tỉnh vừa triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với mục tiêu chính là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện CĐS nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng DN và tổ chức, cá nhân liên quan về hoạt động CĐS của DN, Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN, cổng thông tin CĐS DN, hoạt động của mạng lưới tư vấn kinh tế số và CĐS DN. Đồng thời, tổ chức khen thưởng, vinh danh các DN điển hình trên địa bàn tỉnh trong thực hiện CĐS và phát triển kinh tế số, các DN đạt thứ hạng cao trong mức độ CĐS, phát triển kinh tế số; cùng với đó là các nội dung liên quan đến CĐS DN và phát triển kinh tế số.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ngành chức năng của tỉnh sẽ tổ chức thu thập, tổng hợp danh sách DN trên địa bàn tỉnh trong từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức hướng dẫn cho DN về Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN trên Cổng thông tin CĐS DN. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ DN về chiến lược, kế hoạch CĐS, định kỳ đánh giá xác định chỉ số CĐS và phát triển kinh tế số của DN…

BÌNH MINH

Từ khóa: