Hỗ trợ doanh nghiệp đón thời cơ, phát triển chuỗi giá trị

Thứ hai, ngày 27/12/2021

(BDO) Ngành công thương tiếp tục nỗ lực hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp (CCN) chuyên ngành, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chủ lực tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, phát triển bền vững.


Các doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn có cụm công nghiệp chuyên ngành để thuận lợi hơn trong sản xuất, hợp tác cùng phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An)

Xúc tiến cụm công nghiệp chuyên ngành

Với việc nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục nắm bắt cơ hội, khôi phục và phát triển một cách hiệu quả, an toàn, một số ngành trọng điểm có đơn hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tình hình hiện nay, các DN cũng mong muốn các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, cần bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu để đáp ứng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tương lai gần, các hiệp hội ngành hàng đề xuất việc thành lập các CCN chuyên ngành để DN trong nước thực sự “có sức khỏe”. Trong dài hạn, việc đầu tư phát triển CCN chuyên ngành sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp gỗ, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, dệt may, da giày… Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cho biết cơ hội cho ngành gỗ là rất lớn song thách thức đặt ra để phát triển bền vững của ngành công nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cao này cũng không ít trong giai đoạn mới. Hiện nay, rất nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhưng DN trong nước lại thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất. Nếu thành lập được CCN chuyên ngành, chuỗi sản xuất ngành gỗ sẽ hình thành và phát triển bền vững. Các DN ngành gỗ có điều kiện liên kết và vươn xa, khẳng định vị thế Bình Dương là “thủ phủ của ngành gỗ”.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may tỉnh cũng cho rằng ngành dệt may hiện phụ thuộc vào sản xuất gia công, việc tự thiết kế và bán hàng theo thương hiệu của chính mình đang tồn tại khá nhiều hạn chế. Theo đó, Hiệp hội Dệt may tỉnh mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ để các DN đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ngành dệt may trong thời gian tới. Đặc biệt, đầu tư vào khâu thượng nguồn (sản xuất vải, nhuộm, nguyên phụ liệu dệt may…) và khâu thiết kế để có thể đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, hưởng lợi từ việc giảm thuế quan từng bước về 0%.

Ông Phạm Văn Chánh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện... để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp. Tỉnh cũng ưu tiên quy hoạch, phát triển các khu, CCN chuyên ngành, cụm liên kết ngành tạo chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp.

Hỗ trợ có trọng tâm

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh xác định “sức khỏe” của DN chính là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Sức mạnh nội lực đến từ các DN đầu tư trong nước, các hiệp hội ngành hàng có ý nghĩa quan trọng. Bởi đây chính là nhân tố bảo đảm cho việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cho biết thêm Bình Dương sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thông qua tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, cũng như các ưu đãi theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia các dự án công nghiệp quy mô lớn, gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trước mắt, để duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình chung hiện nay, DN cần có phương án, kế hoạch xử lý F0 phù hợp, bảo đảm an toàn cho người lao động. Theo đó, DN phải bảo đảm đúng theo phương án, kịch bản phòng, chống dịch đã đăng ký, bảo đảm chống dịch linh hoạt, khoa học, hiệu quả. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính phải kích hoạt ngay phương án, kịch bản phòng, chống dịch đã đăng ký và có báo cáo nhanh gửi Sở Công thương, UBND cấp huyện, cấp xã và trung tâm y tế nơi DN hoạt động để theo dõi và kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, DN tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tuyệt đối không chủ quan, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất và nơi ở.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Bình Dương sẽ tạo điều kiện để các DN trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu, năng lực, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất các sản phẩm bền vững và hiệu quả. Sở Công thương tiếp tục xây dựng các chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ DN kết nối giao thương thuận lợi, chi phí tiết kiệm, không bị giới hạn về không gian và thời gian.

TIỂU MY - CÔNG THƯƠNG