Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh
(BDO) 6 tháng cuối năm 2022 là thời điểm tập trung hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển gắn với đầu tư theo định hướng.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch mở rộng quy mô tại Bình Dương. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP I)
Tham gia sâu chuỗi cung ứng
Điều đáng phấn khởi, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất, trở thành mắt xích quan trọng, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất sản phẩm cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn. Ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp, đánh giá Bình Dương là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí của Sharp, do đó tập đoàn đã xây dựng 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) I và VSIP II mở rộng. Đặc biệt, thời gian tới, Sharp sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và xây dựng thêm 1 nhà máy quy mô lớn, định hướng phát triển về các sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến như sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, sản xuất đồ điện tử gia dụng, điện gia dụng, sản phẩm sức khỏe… để dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường và phân tán rủi ro. Với định hướng phát triển đó, Tập đoàn Sharp mong muốn tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu về quỹ đất xây dựng, cung cấp lao động cũng như cơ sở hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang bị bủa vây bởi những thách thức, việc Tetra Pak mở rộng đầu tư tại Bình Dương là một điểm sáng rất tích cực, thể hiện niềm tin vào môi trường đầu tư phát triển của Bình Dương. Hiện Công ty Tetra Pak đang đầu tư thêm 5 triệu Euro. “Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, sẽ giúp Tetra Pak phục vụ khách hàng tốt hơn, cung cấp các loại hộp giấy hấp dẫn hơn, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tetra Pak Việt Nam nói.
Bình Dương cũng có nhiều nỗ lực hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. “Tỉnh sẽ tiếp tục huy động tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối vùng. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ… nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ các ngành, phục vụ việc di dời, chuyển đổi công năng cho các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp các địa phương phía nam của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định.
Gấp rút giải quyết khó khăn
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết vừa kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về sự chồng chéo, không thống nhất giữa các quy định pháp luật khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp (CCN). Cụ thể là các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay về quản lý, phát triển CCN của Chính phủ quy định “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP”.
Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư xây dựng CCN có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 quy định “việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương”. Căn cứ các nội dung nêu trên, Bình Dương nhận thấy đối với dự án đầu tư xây dựng CCN có đề nghị Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, việc thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và thủ tục quyết định thành lập, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định của Chính phủ còn có sự chồng chéo, không thống nhất.
Kiến nghị Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ rà soát, điều chỉnh các quy định về thành lập, lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng CCN theo quy định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN thống nhất với các quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Để thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, bà Hà cho biết đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo rà soát, giải quyết các kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương liên quan đến bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
TIỂU MY - CẨM TÚ