Hỗ trợ doanh nghiệp cơ điện tham gia chuỗi cung ứng

Thứ ba, ngày 23/08/2022

(BDO) Vượt lên những khó khăn thử thách, các doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Cơ điện tỉnh tiếp tục đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của khách hàng trong và ngoài nước bằng cách tối ưu hóa quy trình, chi phí sản xuất, giảm thời gian đưa sản phẩm tới tay người dùng nhanh nhất có thể.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Kim Sang (TX.Tân Uyên)

 Nỗ lực không ngừng

Thời gian này, tại Công ty TNHH Nghệ Năng, các dây chuyền đều vận hành hết công suất để kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác lớn. Tổng Giám đốc công ty Lưu Trí, cho biết dù gặp khó khăn nhưng doanh thu 6 tháng đầu năm vẫn đạt kế hoạch đề ra. Kết quả khả quan mà Công ty Nghệ Năng đạt được là nhờ đã đẩy mạnh mảng thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác cao. “Là nhà thi công hệ thống thông gió làm mát và xử lý khói bụi sử dụng động cơ DC không chổi than tiên tiến nhất hiện nay giúp giảm 50% tiêu thụ điện, bảo hành trọn đời, chúng tôi chủ trương làm những sản phẩm khó, có giá trị cao. Công ty đã không ngừng cải tiến, cập nhật những công nghệ mới, thu hút nhân lực chất lượng cao, học hỏi kinh nghiệm từ những công ty đa quốc gia... để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, tạo niềm tin cho khách hàng”, ông Lưu Trí nhấn mạnh. Những năm gần đây, Nghệ Năng cũng hoàn thành nhiều hợp đồng cho các đối tác trong và ngoài nước, đem đến việc làm ổn định cho người lao động, vượt qua những thách thức mà các DN đang gặp phải trước những khó khăn chung của thế giới.

Với công nghệ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều DN cơ điện cũng giữ vững được thị trường, các DN FDI tiếp tục lựa chọn làm đối tác. Trong tháng 7 vừa qua, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai đã hoàn thành hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống máy phát điện 3.300 kVA cho Công ty Japfa Comfeed Vietnam với giá trị gần 9 tỷ đồng. Dự án gồm 2 tổ máy phát điện SBMPOWER MDG1500 kèm hệ thống tự động và cấp dầu, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam TCVN 9729:2013.

Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng xảy ra trên toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến được xem xét. Để tận dụng cơ hội này, các DN ngành cơ điện liên tục cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đạt yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, DN nhanh nhạy nắm bắt thông tin về nhu cầu của thị trường, tiếp cận các khách hàng mới qua nhiều kênh khác nhau, tập hợp, liên kết cùng nhau để đón nhận các đơn hàng lớn. Hiệp hội Cơ điện tỉnh mong muốn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối cung cầu giữa DN FDI và các DN công nghiệp hỗ trợ Bình Dương, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để DN đầu tư máy móc, dây chuyền mới sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), UBND tỉnh ban hành hàng năm và từng giai đoạn, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp tổ chức, hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo kết nối giao thương với đối tác trong và ngoài nước nhằm phục vụ xuất khẩu, liên kết cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho DN trong tỉnh. DN, hiệp hội có nhu cầu kết nối giao thương, tiếp cận các đối tác cần tăng cường tham gia các chương trình để cung ứng nguyên, vật liệu cho các nhà đầu tư. Về đề xuất của Hiệp hội Cơ điện tỉnh, thời gian tới Sở Công thương sẽ chú trọng tổ chức sự kiện gặp gỡ, giao thương trực tiếp với DN FDI nhằm giúp các DN trong nước dần tiếp cận, kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của từng ngành hàng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng tỷ trọng nội địa hóa trong sản phẩm do DN FDI sản xuất tại Việt Nam.

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Cơ điện tỉnh về việc áp dụng phân “luồng xanh” đối với tờ khai nhập khẩu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Nguyễn Trần Hiệu, cho biết theo quy định hiện nay, việc kiểm tra, giám sát hải quan đều được thực hiện trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong đó, việc phân luồng tờ khai hải quan được hệ thống xử lý thông tin hải quan tự động phân luồng trên cơ sở thông tin rủi ro theo quy định cụ thể. Căn cứ các quy định, việc đánh giá mức độ rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của DN, đặc điểm tính chất hàng hóa, chính sách quản lý hàng hóa của bộ, ngành theo từng thời kỳ và các thông tin khác thu thập được.

Về vấn đề vay vốn của DN, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chú trọng 5 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đáp ứng nhu cầu vốn theo quy định đối với 5 lĩnh vực nói trên là 4,5%/năm.

 Trên thực tế, các DN, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ SXKD và có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án SXKD hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng hơn với lãi suất hợp lý. Tuy nhiên, một số DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, chủ yếu là do hạn chế năng lực tài chính, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án SXKD đề nghị vay vốn; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý... Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để được cấp tín dụng.

 TIỂU MY - CẨM TÚ