Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
(BDO) Khai thác những lợi thế
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được đánh giá là một “cú hích” rất lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Lộc Hà, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương luôn quan tâm, đổi mới, tăng cường hợp tác, chủ động tạo bước đột phá trên từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, bám sát với chương trình chuyển đổi số của quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, sản xuất với kỹ thuật, công nghệ cao.
Tại chuyến khảo sát Trung tâm Dữ liệu và Công tác chuyển đổi số tại Tổng Công ty Becamex IDC vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để phát triển các dự án chiến lược trong chuyển đổi số của tỉnh; phấn đấu đến đầu năm 2022, phải cơ bản thực hiện việc chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực để không còn phải nhận hồ sơ giấy. Đối với việc số hóa DN, cần phải mở ra lĩnh vực mới và các dự án đào tạo chuyển đổi số, nhân rộng các mô hình điển hình.
Bình Dương đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ảnh: Chuyên gia, lãnh đạo ngành chức năng tỉnh thảo luận về chuyển đổi số tại hội nghị thu hút đầu tư của tỉnh năm 2021
Mới đây, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2026. Theo thỏa thuận, UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho VNPT tham gia triển khai các chương trình, đề án xây dựng đô thị thông minh, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G góp phần triển khai chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cho Bình Dương. VNPT bảo đảm đáp ứng hạ tầng kỹ thuật số cho các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hợp tác phát triển Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tạo bước đột phá
Theo đánh giá của ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa khọc - Kỹ thuật tỉnh, đối với DNNVV, chuyển đổi số trở thành cơ hội, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi các DN phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Các DNNVV áp dụng sự ưu việt của các công nghệ mới nhằm đổi mới hoạt động, tạo lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của DNNVV hiện nay là không có thông tin về nền tảng số phù hợp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua hội nghị sẽ giúp các DN tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%…
TIỂU MY