Hỗ trợ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ
(BDO) Đối với công nhân (CN) nữ nghỉ hộ sản sau 6 tháng đã phải đi làm. Thời gian làm việc lâu tại doanh nghiệp (DN) rất khó để bảo đảm nguồn sữa mẹ chăm sóc con nhỏ. Do đó, việc xây dựng cabin vắt, trữ sữa tại DN phần nào giải tỏa lo lắng để CN yên tâm lao động.
Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất phòng tránh tử vong, cải thiện chiều cao và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hưởng được niềm hạnh phúc này, nhất là con CN. Sau thời gian nghỉ hộ sản, CN trở lại với công việc nên con trẻ phải sử dụng sữa ngoài. Chị Nguyễn Thị Tuyến, CN Công ty Giày Hân Xương, TX.Bến Cát, cho biết con chị hiện được 8 tháng tuổi. Nhà chị khá xa chỗ nên xin về cho con bú thì không kịp làm ca chiều. Do đó, phần lớn cho con ăn bằng sữa ngoài. Với đồng lương 4 triệu đồng/tháng, chị phải dành hơn 1 triệu đồng để mua sữa cho con, trong khi mỗi ngày đi làm chị lại phải bỏ 2 lần sữa. “Biết nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là tốt cho bé, nhưng chỗ làm khá xa nhà nên không thể về cho con bú. Nhiều lúc vào nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi, rồi nghĩ đến cảnh con thơ ở nhà khát sữa, tôi đứt cả ruột”, chị Tuyến tâm sự. Cùng tâm trạng với chị Tuyến, chị Ngô Thị Lanh, CN Công ty TNHH Giày Thông Dụng ở phường An Phú, TX.Thuận An cũng lo lắng khi con không chịu uống sữa ngoài. Trong khi đó, mẹ phải làm việc 8 tiếng đồng hồ trong công ty. Nhìn con ngày càng ốm, chị muốn nghỉ việc, nhưng lại lo không đủ điều kiện phụ chồng nuôi con.
Công nhân Công ty Shyang Hung Cheng sử dụng phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp. Ảnh: T.LÝ
Nỗi lo lắng của các chị cũng là trăn trở của chị em CN đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Để CN nữ yên tâm lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Tổ chức Alive and Thrive đã xây dựng chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại DN từ năm 2012. Đối với Bình Dương, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng trú đóng trên địa bàn phường An Thạnh, TX.Thuận An đang được áp dụng thí điểm. Mô hình xây dựng phòng vắt, trữ sữa được áp dụng gần 2 tháng đã đem lại niềm vui cho nhiều CN.
Nhiều chị em không giấu nỗi niềm xúc động, bày tỏ: “Từ nay, chúng tôi có thể yên tâm sản xuất, không phải lo lắng con thơ ở nhà thiếu sữa mẹ, nhất là tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong tháng”. Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, cho biết công ty có hơn 90% lao động nữ, thì trên 500 nữ CN lao động trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Sau 2 tháng lắp đặt phòng vắt, trữ sữa, hầu hết các nữ CN rất phấn khởi, vui mừng. Số nữ CN xin nghỉ làm để chăm sóc con bị ốm đã giảm. Theo anh Hoàng, đây là việc làm mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế, giúp người lao động (NLĐ) giảm bớt một phần kinh phí, đồng thời góp phần giúp công ty giữ chân CN lao động.
Ngoài Công ty Shuang Hung Cheng, Công ty TNHH điện tử Foster Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP II trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một cũng đã tự xây dựng phòng vắt, trữ sữa tại DN. Tuy nhiên, tại đây các bà mẹ chưa mặn mà với cabin vắt sữa. Một số chị em do thiếu kiến thức về phòng vắt, trữ sữa nên phân vân lo lắng, thậm chí có bà mẹ vào vắt sữa nhưng lại không đưa về cho con bú vì sợ không bảo đảm vệ sinh. Do đó, vấn đề đặt ra là xây dựng phải đi kèm với hướng dẫn để CN biết, yên tâm sử dụng, tăng cường tuyên truyền rộng rãi tác dụng của phòng vắt, trữ sữa. Đồng thời, công ty cần khảo sát các ý kiến, vướng mắc cần tháo gỡ từ các bà mẹ để tham mưu cho Ban chấp hành công đoàn thương lượng với Ban giám đốc công ty tạo điều kiện tối đa cho các chị yên tâm vắt, trữ sữa cho con.
Chị Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết phần lớn nữ CN rất vất vả, thường xuyên làm việc theo ca, vì vậy khó có thời gian về giữa buổi để cho con bú. Nhiều nữ CN phải tranh thủ thời gian nghỉ trưa để vắt bỏ sữa, trong khi con nhỏ ở nhà khát sữa phải uống bằng sữa ngoài. Chính vì vậy, LĐLĐ đã thử nghiệm chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại DN. Mô hình tại Công ty Shyang Hung Cheng hoạt động hiệu quả, LĐLĐ sẽ phát động cho công đoàn cơ sở đề nghị chủ DN có nhiều CN nữ lắp đặt phòng vắt, dự trữ sữa. Đây là mô hình không chỉ mang lại ý nghĩa thiết thực cho cả NLĐ và DN mà góp phần vào ổn định phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình tại nơi làm việc trong các công ty, DN có nhiều CN nữ là việc làm hết sức cần thiết và cần được nhân rộng.
THIÊN LÝ