Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Chủ động thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh
Chuyển đổi số (CĐS) và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp (DN) ứng phó với các thách thức mới, đồng thời phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
“Tiếp sức” doanh nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 57.000 DN, trong đó số DN nhỏ và vừa (NVV) chiếm hơn 97%. Đây là đối tượng rất dễ tổn thương do tác động tiêu cực từ thị trường, xã hội. Do vậy, nhằm hạn chế số lượng DN rút lui khỏi thị trường, thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ “tiếp sức” cho DN NVV trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ, thúc đẩy DN tiếp cận, nâng cao nhận thức và đẩy nhanh việc CĐS.
Khách hàng khi mua các sản phẩm rượu tỏi đen của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm T.P Food đều quét được mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm. Trong ảnh: Người tiêu dùng sử dụng điện thoại quét mã QR trên mỗi sản phẩm của T.P Food
Đưa ra hướng tiếp cận cho các DN NVV, theo ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VNTT Bình Dương, Giám đốc Công nghệ thông tin Becamex IDC, DN cần đánh giá hiện trạng của công tác sản xuất - xác định vấn đề tồn tại, xác định mục tiêu cụ thể dựa trên công tác quản lý sản xuất - QCDSE; xây dựng các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu cụ thể, tính toán giải pháp tỷ suất đầu tư và hiệu quả đầu tư, kiện toàn và tái cấu trúc nhân lực...
Theo TS.Văn Ngọc An, chuyên gia chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN NVV muốn CĐS cần xác định mục tiêu và có chiến lược. Trong đó, việc xây dựng chiến lược CĐS cần tích hợp vào chiến lược chung của DN dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng và mục tiêu. Triển khai thực hiện CĐS mô hình kinh doanh, các DN cần áp dụng công nghệ số (CNS) để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng, từng bước triển khai cho chuỗi cung ứng, áp dụng CNS cho nghiệp vụ kế toán, tài chính; xây dựng khung cơ sở dữ liệu chung về kinh doanh, cung ứng, kế toán... Bước tiếp theo, DN cần hoàn thiện và CĐS mô hình quản trị, kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Ông Hoa Uy Long, Giám đốc Công ty Hoa Long Phát, TX.Bến Cát, cho biết hiện đang là thời điểm của công nghệ 4.0, cắt giảm các chi phí và CĐS rất quan trọng đối với DN. CĐS là thành tố không thể thiếu của DN để tiết kiệm chi phí, nhanh chóng về thời gian, giúp hoạt động hiệu quả hơn.
“Thực hiện CĐS, công ty hiện đã có phần mềm quản lý đầu ra, đầu vào của kho nguyên liệu vật tư, kinh doanh. Hiện công ty cũng đã có dự án về quản lý kinh doanh qua phần mềm. Thay vì trước đây phải mở phần mềm Excel ra để kiểm tra thông tin về số lần, thời gian khách mua hàng, việc này làm tốn thời gian, nhân lực, chi phí, thực hiện CĐS các thông tin này sẽ biết được rất dễ dàng”, ông Hoa Uy Long nói.
Các DN ngày nay không thể đứng ngoài xu hướng thay đổi rõ rệt sau đại dịch Covid-19, đó là chuyển từ offline sang online. CĐS là công cụ giúp DN không bị “bỏ lại” trước nhiều thách thức mới. CĐS bao gồm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và vận hành, chuyển đổi mua - bán trực tiếp sang trực tuyến, từ tiếp thị truyền thống sang kỹ thuật số và các phương thức đổi mới sáng tạo khác.
Anh Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thực phẩm T.P Food, TP.Thuận An, cho biết: “Với khát vọng, đưa những sản phẩm sản xuất công nghiệp của Việt Nam vươn xa, ngay từ ngày đầu thành lập công ty xác định sẽ hoạt động lâu dài và hướng tới xuất khẩu. Những sản phẩm của công ty phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có đăng ký về nhãn hiệu và kiểu mẫu công nghiệp, hiện công ty đang định vị sản phẩm ở phân khúc trung bình cao”. Anh Nguyễn Thái Phú cho biết thêm, để có thể đứng vững trước “bão” Covid-19, công ty đã thực hiện CĐS để hoạt động sản xuất hiệu quả, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Công ty đã thành lập 2 kênh phân phối online có độ phủ trên toàn quốc. Có thể khẳng định, nhờ thực hiện CĐS, đến nay các sản phẩm của công ty đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Doanh nghiệp NVV là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực DN này là hết sức cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN NVV cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của chính DN và sự hỗ trợ giúp đỡ của các hiệp hội.
► Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN NVV Việt Nam: “Nhà nước cần nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho DN NVV nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng từ giao dịch mua, bán hàng hóa trực tiếp sang online, giúp họ tồn tại và phát triển. Vấn đề này cần được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt, bởi phần lớn DN siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ thoát nghèo gắn chặt với vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh chương trình hỗ trợ DN NVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định. Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ từ các viện, trường vào thực tế; đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư, tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm vườn ươm tạo DN nhỏ và siêu nhỏ để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho DN NVV. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN NVV trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi”. ► TS.Lê Mạnh Hùng, trường Đại học Công đoàn: “Các DN NVV cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức thích ứng với điều kiện hội nhập. Đây là vấn đề hết sức quan trọng nhằm phát huy và sử dụng tốt nguồn nhân lực cũng như các nguồn lực khác của DN, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực; tăng cường đổi mới khoa học - công nghệ, nâng cao nhận thức vềvai trò của khoa học - công nghệ; tập trung ứng dụng tiến bộkhoa học - công nghệ trong sản xuất - kinh doanh; định vị rõ được vị thế của DN trong chuỗi giá trị và xây dựng, lựa chọn được định hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển công nghệ của DN; đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu”. ► Ông Dương Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT: “CĐS là chiến lược tất yếu, là lựa chọn duy nhất giúp DN Việt Nam tồn tại và hồi sinh mạnh mẽ qua đại dịch, tránh tụt hậu so với các DN trên toàn cầu. CĐS không chỉ giúp DN nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới… Nắm bắt và vận dụng tốt cơ hội CĐS, DN Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai”. |
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ