Hồ Thị Kim Ngân: Những ký ức hào hùng
Ở tuổi 66, nhưng cô Hồ Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) vẫn hoạt động tích cực, giữ đúng phong cách, tác phong của người lính bộ đội Cụ Hồ. Cô cũng là một nhân chứng sống hiếm hoi còn lại của trận càn khốc liệt Xêđaphôn (Cédar Falls) năm 1967.
(BDO)
Cô Hồ Thị Kim Ngân (đứng thứ sáu, từ trái sang) cùng Hội NCT phường Phú Thọ trong chuyến về nguồn
Năm 1962, khi chỉ mới 13 tuổi, Hồ Thị Kim Ngân đã tham gia vào đội văn nghệ thiếu nhi xã Thanh Tuyền, đi phục vụ bộ đội khắp nơi. Ý thức cách mạng trong Kim Ngân được hun đúc từ đó. Năm 16 tuổi, Ngân thoát ly gia đình, tham gia vào Ban Tuyên huấn huyện Bắc Bến Cát với vai trò là thư ký đánh máy phục vụ chiến trường. 3 năm sau, Kim Ngân được tổ chức phân công về phục vụ tại Ban Tuyên huấn tỉnh Sông Bé.
Trận càn Xêđaphôn khốc liệt 1967 gần như đã xóa sổ gần hết lực lượng của Đoàn Điện ảnh. Người thuyết minh phim duy nhất của đoàn, chị Hồng Nhựt cũng đã hy sinh. Kim Ngân được lệnh thử giọng và được cử đi đào tạo 2 năm tại R cho công tác mới là thuyết minh phim. Tưởng chừng như Ngân không thể hoàn thành khóa học, bởi căn bệnh sốt rét rừng hành hạ cô hơn 1 tháng tại đây. Song với ý chí kiên cường của một chiến sĩ cách mạng, cô hoàn thành xuất sắc khóa học. Ngân được giữ lại phục vụ cho xưởng phim, nhưng cô không đồng ý vì muốn trở về chiến trường để cùng anh em phục vụ.
Năm 1971, Kim Ngân cùng đồng đội mang tài liệu, phim truyện và máy móc về lại đơn vị bắt đầu cho những ngày phục vụ mới của Đoàn Điện ảnh. Với vai trò của người thuyết minh phim, Kim Ngân đặc biệt ấn tượng với bộ phim tài liệu “Đồng Xoài rực lửa” - cuộc chiến mở màn cho chiến tranh đặc biệt, cuộc thử lửa đầu tiên giữa ta và địch, mà ta đã giành chiến thắng. Để có được chiến thắng ấy, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Cô Ngân xúc động kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự hy sinh của Dịu - người đồng chí, đồng đội trẻ tuổi của cô trong trận càn ác liệt Xêđaphôn năm 1967. “Do mất máu quá nhiều và linh tính mách bảo không thể qua khỏi, nên Dịu đề nghị đừng băng bó và hãy dành những thứ đó cho đồng đội. Dịu chỉ xin một tô nước cho đỡ khát và được phép rên vài phút trong đêm nay vì đau quá. Nghe Dịu nói, ai cũng trào nước mắt, nghẹn ngào. Vậy mà Dịu cũng chịu đựng đến sáng hôm sau và đã hy sinh…”, cô Ngân nghẹn ngào kể.
Nước nhà độc lập. Giờ đây, người còn, người mất, nhưng để giữ lấy tự do, tất cả cùng gạt nước mắt, nỗ lực gầy dựng lại quê hương, đất nước từ đống tro tàn chiến tranh. Cô Hồ Thị Kim Ngân được tổ chức phân công về phục vụ nhân dân tại Ban Tuyên huấn miền Đông, Ty Thông tin chiêu hồi tỉnh Biên Hòa và rồi Phó Giám đốc Công ty Phát hành và Chiếu bóng tỉnh Sông Bé. Đến nay, dù đã về hưu, nhưng với tinh thần trách nhiệm của người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cô Ngân vẫn tích cực đóng góp với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phú Thọ.
SONG ANH