Hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng các tỉnh phía bắc giảm

Thứ hai, ngày 06/05/2013

Ngày 5-5, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) các tỉnh, thành phố phía bắc tiến hành bàn giao hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi cho các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ). Thống kê bước đầu cho thấy, lượng hồ sơ đăng ký dự thi ÐH, CÐ năm 2013 ở phần lớn các tỉnh phía bắc giảm so với năm 2012.

Theo đánh giá của đại diện nhiều sở GD và ÐT, nguyên nhân số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay có xu hướng giảm chủ yếu do các tỉnh thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp tuyển sinh, giúp học sinh và phụ huynh tự đánh giá khả năng  học tập của mình, từ đó có sự lựa chọn đăng ký dự thi phù hợp. Ngoài ra, công tác dự báo về nguồn nhân lực của các khối ngành, các trình độ đào tạo được ngành GD và ÐT và các địa phương triển khai năm vừa qua cũng góp phần thay đổi nhận thức trong đăng ký dự thi của thí sinh. Nhiều thí sinh có học lực trung bình đều chuyển sang khối các trường trung cấp hoặc học nghề.

  Thống kê ở các tỉnh phía bắc cho thấy, lượng hồ sơ đăng ký thi đại học giảm so với năm ngoái.

Năm 2013, Sở GD và ÐT Thanh Hóa nhận được tổng số gần 63 nghìn hồ sơ, trong đó khối A hơn 31 nghìn, khối B hơn 15,6 nghìn, khối C hơn 5,2 nghìn và khối D1 hơn 6,8 nghìn hồ sơ, còn lại là các khối khác. So với năm 2012, số hồ sơ đăng ký dự thi của Thanh Hóa giảm khoảng 16 nghìn hồ sơ, giảm nhiều nhất nhất trong các tỉnh khu vực phía bắc. Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD và ÐT Thanh Hóa), lượng hồ sơ giảm mạnh so với năm trước là do công tác phân luồng được triển khai rộng rãi hơn. Ngoài Thanh Hóa, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đều có số hồ sơ đăng ký dự thi giảm như: Nam Ðịnh giảm gần 9.000 hồ sơ, Thái Bình giảm hơn 5.000 hồ sơ, Vĩnh Phúc giảm khoảng 5.000 hồ sơ, Hưng Yên giảm gần 4.000 hồ sơ...

Ðáng chú ý, trong đăng ký dự thi tuyển sinh ÐH, CÐ các tỉnh khu vực phía bắc cho thấy, những trường được thí sinh lựa chọn thường là những trường có điểm chuẩn không quá cao, như các trường ÐH: Công nghiệp Hà Nội, Nông nghiệp Hà Nội và Công nghệ Giao thông vận tải... và một số đại học vùng. Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD và ÐT Hà Nội) Ngô Văn Sự cho biết, trong tổng số hơn 165 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi năm nay, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ÐH Công đoàn nhiều nhất (hơn mười nghìn hồ sơ), tiếp đến là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (9.700 hồ sơ), Trường ÐH Nông nghiệp Hà Nội (gần 8.000 hồ sơ)... Thống kê của Sở GD và ÐT Thanh Hóa, số hồ sơ đăng ký dự thi của tỉnh cũng tập trung chủ yếu vào các trường có điểm chuẩn hằng năm thuộc diện "tốp trung" như các trường ÐH: Hồng Ðức, Công nghiệp Hà Nội, Nông nghiệp Hà Nội...

Ngoài ra, theo đánh giá từ các sở GD và ÐT và một số trường ÐH, CÐ, số hồ sơ khối ngành kinh tế có xu hướng giảm, khối ngành sư phạm, nông lâm... có xu hướng tăng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh (Sở GD và ÐT Hòa Bình), do khối ngành nông, lâm nghiệp được coi phù hợp với nhu cầu việc làm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội địa phương trong khi đó khối kinh tế - tài chính số sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm cũng không ít, cho nên số thí sinh lựa chọn vào các trường khối nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ nhiều nhất, trong khi đó khối ngành kinh tế - tài chính chiếm tỷ lệ khá ít.

Tương tự, theo Phó Trưởng phòng GD chuyên nghiệp (Sở GD và ÐT Hà Nội) thì số hồ sơ vào ngành Sư phạm có tăng hơn năm 2012 khoảng từ 5% đến 7%; hồ sơ vào khối ngành nông nghiệp cũng tăng nhẹ; lượng hồ sơ vào các trường khối ngành kinh tế có giảm. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Ðào tạo Trường ÐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường khoảng 15 nghìn, tăng hơn năm nghìn so với năm 2012.

Theo lịch thi và tuyển sinh của Bộ GD và ÐT, ngày 7-5, các địa phương khu vực phía nam sẽ tiến hành bàn giao hồ sơ cho các trường ÐH, CÐ; từ ngày 8 đến 30-5, các trường sẽ xử lý dữ liệu thi tuyển sinh. Tuy chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ đăng ký dự thi vào các khối ngành trên toàn quốc, nhưng các chuyên gia giáo dục đều nhận định, xu hướng hồ sơ đăng ký dự thi năm 2013 giảm, có sự điều chỉnh giữa các khối ngành cho thấy những nỗ lực của ngành GD và ÐT cũng như sự vào cuộc của các địa phương trong phân luồng, hướng nghiệp, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đã bước đầu tạo sự chuyển biến trong thí sinh, phụ huynh. Mặt khác, xu hướng lựa chọn ngành "hot" nhưng khi tốt nghiệp ra trường khó xin việc cùng với những cảnh báo về dư thừa nhân lực một số khối ngành cũng tạo điều kiện cho thí sinh tính toán khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, có sự lựa chọn phù hợp với năng lực học tập, không chạy theo phong trào.

Theo Báo Nhân Dân