Hồ nước ngọt từng tồn tại trên sao Hỏa
Một hồ nước ngọt trên sao Hỏa có thể tồn tại sự sống cách đây hàng tỷ năm.
Các nhà khoa học cho rằng các lớp đá bùn từ lòng chảo Gale Crater, địa điểm trên sao Hỏa mà tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đang khám phá, được hình thành trong một hồ nước có thể đã tồn tại hàng trăm nghìn năm trên hành tinh đỏ.
Ảnh mô phỏng hồ nước tồn tại trên sao Hỏa cách đây 3,6 tỷ năm.
Vùng lòng chảo với đường kính khoảng 150 km với một ngọn núi ở trung tâm được cho là đã giúp hình thành một hồ nước cách đây khoảng 3,6 tỷ năm. Các phân tích cho thấy rằng hồ này tương đối lặng sóng và dường như chứa nước ngọt bao gồm những thành phần sinh vật học quan trọng như carbon, hyđrô, ôxy, nitơ và lưu huỳnh.
Một hồ nước như vậy có thể cung cấp những điều kiện lý tưởng cho những vi khuẩn đơn giản như chemolithoautotroph phát triển. Trên Trái đất, vi khuẩn chemolithoautotroph thường được tìm thấy trong các hang động và miệng phun thủy nhiệt. Vi khuẩn phá vỡ đá và khoáng chất để lấy năng lượng.
Phát hiện trên được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa tàu thăm dò Curiosity của NASA, bao gồm một thành viên từ trường đại học Hoàng gia London (Anh).
Giáo sư Sanjeev Gupta, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không phát hiện thấy dấu hiệu sự sống cổ đại trên sao Hỏa. Những gì cùng tôi tìm thấy ở khu vực Gale Crater có thể một hồ nước từng tồn tại với những điều kiện phù hợp để vi khuẩn phát triển hàng tỷ năm cách đây. Đây là một bước tiến lớn trong sứ mệnh khám phá sao Hỏa”.
Trong những nghiên cứu trước đây, giáo sư Sanjeev Gupta và nhóm nghiên cứu đã phát hiện bằng chứng của nước trong các lớp đá khác trên bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này cung cấp bằng chứng rõ nhất cho thấy hành tinh đỏ từng có điều kiện phù hợp để sự sống tồn tại.
(Theo VNN)