Họ đã biết làm giàu
(BDO) Đến thăm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là những ngôi nhà mới, những đàn bò, heo, vườn cao su, tiêu, điều xanh mướt, con cái được học hành tử tế. Điều này khẳng định, đời sống ĐBDTTS đã đổi thay hoàn toàn, từ những hộ sống ngay trong lòng thành phố đến các xã vùng sâu, vùng xa.
Đi lên từ hai bàn tay trắng
Hàng ngày, dù mưa hay nắng anh Lâm Hồng Quang là ĐBDTTS S’tiêng ở khu phố 5, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát cũng rong ruổi khắp nơi để thu mua mủ cao su. Anh nói: “Bây giờ người đi buôn nhiều lắm nên mình phải làm có uy tín thì mới giữ được mối lâu dài”. Năm 1995, anh Quang ở Bình Long (Bình Phước) theo vợ về phường Mỹ Phước sinh sống. Sau một thời gian đi vác mủ thuê, anh đã học hỏi được kinh nghiệm thu mua mủ và anh đã đổi sang nghề kinh doanh. Chỉ với 300.000 đồng trong tay, mối lái không có là cả một vấn đề khó khăn lớn cho người buôn bán. Nhưng bằng tính cần cù và uy tín, anh Quang đã vượt qua khó khăn. Mối lái ngày càng nhiều hơn. Đến nay, anh Quang đã mua được đất, cất được nhà và sắm sửa đầy đủ tiện nghi trong gia đình. Anh cho biết thêm: “Cũng nhờ làm ăn uy tín nên một số bạn hàng bán gối đầu cho mình cả chục triệu đồng. Nhờ đó đã giúp cho công việc mua bán của tôi thêm thuận lợi. Hiện nay, số lượng mủ cao su ít đi do cao su bị xuống giá nên anh Quang định mở một quầy hàng ở chợ Bến Cát cho vợ bán. Anh Quang nói vui: “Cái đó thì để cho vợ, chứ tôi không bao giờ bỏ cái nghề đã từng giúp tôi vượt qua khó khăn”.
Anh Kim Văn Phước, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo đang cạo mủ cao su
Khác với anh Lâm Hồng Quang, anh Kim Mỹ, dân tộc Khơ-me giờ đây đã trở thành ông chủ một tiệm ăn ở phường Mỹ Phước. Cái quán tuy không lớn nhưng cũng bảo đảm cuộc sống ổn định cho gia đình. Ngoài việc mở quán, anh còn nhận nấu đám tiệc cho bà con xung quanh nên thu nhập cũng khá hơn. Trước đây, để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày anh phải đạp xe hàng trăm cây số từ Bến Cát đến xã An Linh, Phước Sang (Phú Giáo) bán kem, bán bánh mì. Mệt nhọc anh không ngại, nhưng căn bệnh sốt rét trong thời kỳ anh đi bộ đội đã hành hạ anh. Những hôm khỏe thì đi bán, còn đến khi bệnh thì nhập viện. Ròng rã 8 năm trời như thế, sau khi hết bệnh, dành dụm được ít tiền anh mua đất cày cấy, rồi lại đi buôn củi và đến nay là mở quán ăn. Anh Kim Mỹ có 3 đứa con, đứa nhỏ đang đi học, còn 2 người con trai lớn đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Anh Kim Mỹ cho biết: “Với tôi đã qua rồi thời gian khó, bây giờ chỉ lo sự nghiệp cho thằng út”. Anh mong muốn: “Sau khi học xong, anh sẽ mở cho con một cái tiệm đàng hoàng để làm ăn, không phải vất vả mưu sinh”.
Vươn lên thoát nghèo
Ông La Văn Bình là đại úy bộ đội đặc công từng vào sinh ra tử trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh. Ông là người Sán Chay đầu tiên đến ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo khai hoang lập nghiệp và đem sức sống mới đến vùng nông thôn nghèo khó. Ban đầu, ông đã tích cực vận động con cháu trong gia đình và đồng bào trong thôn, trong xã trồng rừng, khai phá đất trống, đồi trọc để làm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ nhờ làm theo ông mà khá lên. Cuộc sống cộng đồng Sán Chay cũng từ đó mà nâng lên. Hiện nay ông Bình là Bí thư Chi bộ ấp Đồng Tâm, ông còn được huyện công nhận là nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Bình cho biết: “Với bản tính cần cù trong lao động, sản xuất, không ngại khó khăn gian khổ, bản thân tuy tuổi đã cao nhưng tôi luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống ngày càng khá giả, gia đình có của ăn của để dành”. Hiện nay, gia đình ông có 3,7 ha đất trồng cây cao su đang thu hoạch và 1,7 ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Đến xã An Bình, huyện Phú Giáo, hỏi thăm nhà anh Kim Văn Phước ở ấp Nước Vàng thì ai cũng biết đến. Gia đình anh Phước trước đây là hộ nghèo của xã nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình anh vươn lên thoát nghèo. Quê ở Campuchia, năm 1987, anh Phước cùng vợ con đến Phú Giáo lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, không có nhà để ở, anh Phước đã bươn chải, làm đủ mọi việc để kiếm sống, ngày đi làm mướn cho nông trường, tối về tranh thủ cuốc đất trồng khoai, chăn nuôi heo. Vợ chồng vất vả sáng tối cũng chỉ đủ ăn qua ngày, cuộc sống thật vất vả. Nhờ tính siêng năng, chịu khó, chỉ trong vòng hơn một năm, hai vợ chồng anh dành dụm ít tiền mua được 2 ha đất sản xuất. Cuối năm 2010, tổng thu nhập từ chăn nuôi 30 triệu đồng/năm, từ đó cuộc sống gia đình anh ổn định hơn. Hiện nay, gia đình anh đã gầy dựng cơ ngơi khang trang với 4 ha cao su, 1 ha tiêu và chăn nuôi bò sinh sản, heo nái… Tổng thu nhập một năm từ 50 đến 60 triệu đồng. Gặp chúng tôi, anh Kim Văn Phước vừa trút mủ cao su, vừa hồ hởi khoe: “Năm nay, mủ cao su nhà tôi thu hoạch sớm. Mới đầu vụ nhưng lượng mủ khá nhiều. Vụ mùa này hứa hẹn một mùa bội thu”.
KIM HÀ