Hiroshima - 65 năm với vết bỏng hạt nhân chưa lành
Vầng sáng chói lòa và tiếng nổ trầm đục kinh dị. Sau đó là bóng hình những người cháy đen in hằn lên những tòa nhà đổ nát. Có những người thoát chết một cách thần kỳ nhưng với những vết thương vết bỏng đau đớn vô cùng tận.
Đó là những mảng hồi ức của cư dân Hirosima và Nagasaki, vào thời khắc rùng rợn đó đã trông thấy và nghe thấy vụ nổ từ khoảng cách nhất định. Với họ, 65 năm đã qua, khoảng khắc khủng khiếp vẫn như còn nguyên.
Bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.8 giờ 15 phút sáng 6-8-1945, phi đội bay gồm 12 người trên pháo đài bay B29 Enola Gay, do Đại tá Paul Tibbets của Lực lượng Không quân của Lục quân Mỹ điều khiển, đã ném xuống Hiroshima quả bom nguyên tử với tên mật mã "Cậu bé".
Đó là quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh, gây ra thảm hoạ kinh hoàng đối với thành phố này. "Cậu bé" đã xóa sổ thành phố của Nhật Bản khỏi mặt đất. Chỉ trong mấy giây hàng trăm nghìn người dân đã bị thiêu cháy trong ngọn lửa vòi rồng chết chóc từ vụ nổ, những người khác thì tử vong sau đó vì vết thương và các căn bệnh nhiễm xạ.
Ba ngày sau đó, lại diễn ra khung cảnh tương tự với thành phố Nagasaki cách đó 300 km, khi quả bom nguyên tử thứ hai có tên mật mã “Ông mập” đã được thả xuống đây. Mỹ đã công nhiên phô diễn trên đất Nhật Bản sức mạnh phá hoại khủng khiếp của thứ vũ khí mới.
140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân. Đáng sợ và thương tâm nhất là 65% nạn nhân bom nguyên tử đã là trẻ em chưa đầy 9 tuổi. Riêng ở Hiroshima, khoảng 6.500 trẻ em trở thành mồ côi.
Hai quả bom nguyên tử này cũng là một phần trong việc chấm dứt Chiến tranh Thế giới Thứ II. Đã 65 năm nay, người ta tranh cãi về hệ quả của những trận ném bom nguyên tử hủy diệt các thành phố Nhật Bản. Giới chính trị học và sử học Mỹ giữ quan điểm rằng việc sử dụng bom nguyên tử đã đẩy nhanh đến sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản. Cũng có thể là thế. Nhưng hàng trăm nghìn con người đã chết - đó là cái giá quá đắt.
Bà Tsuyuko Nakao, 92 tuổi (phải) và bà Kinuyo Ikegami, 77 tuổi cầu nguyện cho người thân là nạn nhân của bom nguyên tử.
Và ở đây có bao nhiêu tính toán quân sự, thì cũng có bấy nhiêu ý đồ chính trị. Đó là yếu tố sức mạnh mà người Mỹ muốn phô trương với toàn thế giới khi giải quyết vấn đề hậu chiến. Ngoài ý đồ kỳ quặc đó, những trận ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản còn theo đuổi cả mục đích khác nữa: dọa nạt Liên Xô và các quốc gia khác, nhờ vào bá quyền độc tôn hạt nhân của Mỹ trên thế giới.
Ngày 14-12-1945, chỉ mấy tháng sau chiến thắng chung trước Nhật Bản, Ủy ban kế hoạch quân sự thống nhất của Mỹ đã đi đến kết luận rằng, vũ khí duy nhất để chống Liên Xô là các máy bay ném bom nguyên tử. Tổng thống Harry S. Truman đã nêu đề xuất, trong trường hợp xung đột sẽ ném 196 quả bom nguyên tử xuống 20 thành phố của Liên bang Xô-viết.
Việc tiếp diễn cuộc chạy đua vũ trang của hai cường quốc, lôi cuốn cả những nước khác, đã trở thành nguy cơ hiện hữu trên Trái Đất.
Năm nay, ông Ban Ki-moon là vị Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đầu tiên đến dự nghi lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử Hirosima. Trước chuyến đi đến Nhật Bản, ông Ban Ki-moon nói: "Hãy nhìn vào sự thật một cách tỉnh táo: đảm bảo an ninh duy nhất và sự bảo vệ chắc chắn duy nhất khỏi việc sử dụng vũ khí hạt nhân, chính là tiêu hủy thứ vũ khí này".
Năm nay, các cường quốc hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp sẽ cử đại diện sang tham dự các buổi lễ vào ngày 6-8. Đây là lần đầu tiên các nước này tham gia buổi lễ được tổ chức hàng năm này. Còn trong 65 năm qua, kho vũ khí hạt nhân thế giới đã bổ sung thêm những dạng trang thiết bị mới, có sức mạnh hủy diệt vượt hơn nhiều lần so với hai quả bom đầu tiên thuở nào. Phong trào phi hạt nhân hóa trên thế giới có dấu hiệu lớn mạnh hơn, nhưng cho đến nay, trước nhân loại vẫn là câu hỏi về sự sống còn trong điều kiện đối đầu hạt nhân.
Theo Dân Trí