Hình phạt và quyết định hình phạt

Thứ bảy, ngày 23/06/2018

(BDO) Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

BLHS năm 2015 quy định hai hệ thống hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập, mỗi tội phạm chỉ có thể bị tuyên một hình phạt chính. Hình phạt bổ sung là hình phạt không thể tuyên độc lập, mà chỉ có thể tuyên kèm theo một hình phạt chính đối với mỗi loại tội phạm.

Hình phạt chính gồm 7 hình phạt, đó là: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình. Hình phạt bổ sung cũng gồm 7 hình phạt, đó là: Cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc số hình phạt bổ sung.

Quyết định hình phạt được hiểu là việc Toà án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội. Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào Điều 50 BLHS tức là căn cứ vào: Quy định của BLHS; tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào quy định của BLHS là trong quá trình định tội danh, định khung hình phạt và quyết định hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải căn cứ vào các quy định của BLHS để làm sáng tỏ các tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các chế định khác đã được quy định trong BLHS.

Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm nói lên bản chất của một con người có ảnh hưởng nhất định đến quá trình thực hiện tội phạm và khả năng cải tạo.

Để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm phải xem xét, đánh giá một các toàn diện các yếu tố như tính chất của hành vi phạm tội; thủ đoạn, hoàn cảnh, địa điểm, thời gian phạm tội; giai đoạn thực hiện tội phạm, hậu quả thiệt hại; hình thức, mức độ lỗi, động cơ, mục đích phạm tội và các tình tiết khác.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng là những tình tiết ảnh hưởng đáng kể đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (giảm xuống hoặc tăng lên); phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội hoặc phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được quy định tại Điều 51, Điều 52 BLHS năm 2015.

Khi có ít nhất từ hai tình tiết được quy định ở Khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015, Tòa án có thể quyết định mức hình phạt dưới mức tối thiểu của khung hình phạt mà Điều luật quy định (phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của Điều luật - nếu Điều luật có nhiều khung hình phạt) hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn (nếu khung hình phạt là mức thấp nhất của loại hình phạt đó). Các tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Khi có nhiều tình tiết tăng nặng cũng chỉ được phép quyết định một mức hình phạt nằm trong giới hạn của khung hình phạt mà điều luật quy định.

Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn quy định: Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, Tòa án còn căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/UBND-NC ngày 18-12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương.