Hình ảnh Bác soi rọi hành trình sáng tạo nghệ thuật

Thứ ba, ngày 21/05/2024

(BDO) Bằng tấm lòng ngưỡng mộ và tình cảm tôn kính, biết ơn với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhiều văn nghệ sĩ Bình Dương đã có nhiều sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua các tác phẩm, mỗi người còn khẳng định những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách, cuộc đời cách mạng của Người đã soi sáng họ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật.


Các đại biểu thưởng lãm tranh “Sáng mãi niềm tin” của họa sĩ Trương Bửu Sinh tại triển lãm mỹ thuật chào mừng kỷ niệm 66 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam

Thiêng liêng tượng đài Bác

Những ngày tháng 5 thiêng liêng, hòa cùng cảm xúc với triệu triệu trái tim kính yêu Bác Hồ, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà điêu khắc Châu Trâm Anh. Với nhà điêu khắc tài hoa này, đây là những khoảng thời gian vui nhất vì anh đang cố gắng hoàn thành các công đoạn cuối công trình tượng đài Bác đặt tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh. Niềm vui dường như tăng lên gấp bội vì đây là công trình chào mừng sinh nhật lần thứ134 của Bác Hồ kính yêu.

Nhà điêu khắc Châu Trâm Anh cho biết trước đó anh cũng vừa hoàn thành công trình tượng Bác Hồvà12 vị tướng lĩnh đặt tại Khu di tích Chiến khu Đ (huyện Bắc Tân Uyên). Đây là công trình anh rất tâm đắc, tuy chỉ là một hạng mục nhỏ trong Khu di tích Chiến khu Đ nhưng được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm nhấn ý nghĩa trong lòng mỗi du khách. “Thật vinh dự và tự hào khi sáng tác hình tượng Bác Hồ. Qua tìm hiểu bối cảnh lịch sử giai đoạn 1945-1954, bản thân tôi cũng đã có thêm nhiều hiểu biết, sự ngưỡng mộ về tinh thần bất khuất của Bác và toàn dân, toàn quân ta thời kỳ chống Pháp. Vì vậy, từ trang phục cho đến thần thái của ánh mắt, nét môi đều được tôi đầu tư tạo hình thật sinh động và chân thực nhất”, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh chia sẻ.

Tại Bảo tàng tỉnh, tượng đài Bác Hồ với dáng vẻ uy nghi vẫy chào đã thu hút rất đông các đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến chụp ảnh lưu niệm trong mỗi lần ghé thăm Bình Dương. Đây cũng là một bối cảnh thiêng liêng trong MV “Lời Bác vang mãi trong tim em” do Nhà Thiếu nhi tỉnh thực hiện nhân dịp chào mừng sinh nhật lần thứ 80 của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Sau khi được đăng tải trên fanpage của Nhà Thiếu nhi tỉnh, MV đã thu hút hàng ngàn lượt xem, chia sẻ và bình luận rất chân thành về món quà ý nghĩa mừng sinh nhật Đội của Bình Dương.

Sáng tạo trong tranh vẽ

Bên cạnh những tượng đài uy nghi, các văn nghệ sĩ Bình Dương còn vẽ hình ảnh Bác với những nét đẹp sáng tạo lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa của cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Trương Bửu Sinh cho biết khi nghe phát động cuộc thi, trong anh có ngay ý tưởng cùng với sự đổi mới thực hiện, và cứ thế thôi thúc anh thực hiện đến khi hoàn thành tác phẩm “Sáng mãi niềm tin”. Với sở trường bút sắt, thông qua tranh này, họa sĩ Trương Bửu Sinh muốn ca ngợi sự thay đổi và phát triển của đất và người Bình Dương. Đến với cuộc thi, họa sĩ đã có dịp soi rọi lại mình để tiếp tục phấn đấu, cống hiến, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa nghệ thuật theo đường lối của Đảng.

Trong tranh “Cuộc chiến không tiếng súng” của họa sĩ Phạm Thị Hồng Xuyến, hình ảnh những người lính Cụ Hồ với những chiếc xe đạp thời kháng chiến đã được sử dụng để vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân trong những tháng ngày chống dịch Covid-19 ở Bình Dương thật đẹp. “Quân với dân như cá với nước”, sự gắn bó đồng lòng này được tả thực rõ trong bức tranh sơn dầu này với gam màu xanh áo lính rất độc đáo. “Cảm thấy thương và tự hào về những người không ngại khó khăn gian khổ, hết lòng phục vụ nhân dân. Học và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, họ đã hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Với nhiều người, Bác Hồ là một vĩ nhân, nhưng với họa sĩ Trương Anh Dũng, Bác là vị lãnh tụ rất gần gũi với nhân dân. Vì thế, anh đã vẽ tranh “Bác Hồ với nông dân” bằng chất liệu acrylic. Trong bức tranh hiện thực vẽ từ một bức ảnh này, hình ảnh Bác, một lãnh đạo cấp cao vẫn dành thời gian đến thăm hỏi người dân, nhất là nông dân được thể hiện thật giản dị và gần gũi. Thông qua tác phẩm này, họa sĩ muốn gửi đến thông điệp dù ở cương vị nào thì các cán bộ cũng cần phải “cần, kiệm, liêm, chính”, nghĩ đến lợi ích của người dân hơn nữa, nhất là những người dân còn khó khăn để ai cũng có cơm ăn, áo mặc như lời dạy của Bác.

THỤC VĂN