Hiệu ứng Libya: Âu - Mỹ “đốt” tiền, Nga bận... đếm tiền
Tình hình bất ổn tại Libya và Bắc Phi khiến nguồn cung ứng dầu mỏ và khí đốt của các nước Châu Âu “mắc cạn”; các nước này không thể không “cầu cứu” Nga, hi vọng Nga mở rộng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đối với thị trường Châu Âu.
Đầu năm 2011, nếu có ai đó dự đoán tình hình cân bằng tài chính của Nga năm 2011 sẽ từ thâm hụt trực tiếp chuyển sang thặng dư thì chắc chắn sẽ bị tất cả các nhà kinh tế học cười nhạo, mỉa mai là “anh mù nói mơ”. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, tình hình tài chính của Nga lại thực sự chào đón bước ngoặt mới đầy bất ngờ này. “Thành tựu” này không phài là kết quả của “nền kinh tế sáng tạo” Nga, cũng không phải là sức mạnh “chiến lược hiện đại hóa” của Nga, mà là bởi giá dầu mỏ của Nga lại một lần nữa tăng lên.
Điều này đối với Nga có vẻ rõ ràng là “chiếc bánh” từ trên trời rơi xuống. Nhưng những người “tinh mắt” đều nhận thấy, “cái bánh” này không rơi thẳng từ trên trời xuống, mà được ném qua từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Nga thu lợi "khủng" từ dầu mỏ
Từ đầu năm nay, nhân cơ hội Mỹ và Châu Phi đau đầu nhức óc bởi chính biến liên tiếp ở Trung Đông, Bắc Phi và tổng thống Libya Gaddafi “cố chấp”, Nga lại ngồi “ngư ông đắc lợi” từ giá dầu mỏ được chính tình hình bất ổn tại Trung Đông đẩy lên cao. Nhân cơ hội Mỹ và Châu Âu bận ra tay đối phó với Gaddafi, Nga không bỏ lỡ thời cơ hốt bạc tỉ tại đây.
Trên cả mọi kỳ vọng
Ngày 1-4, quan chức cấp cao Bộ Tài chính Nga tiết lộ, quý I năm 2011, bình quân giá dầu mỏ “thương hiệu Ural” của Nga trên thị trường năng lượng quốc tế đạt 102,57USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với 75,2USD/thùng vào cùng kỳ năm ngoái. Cứ như thế, hiện nay giá dầu mỏ Nga xuất khẩu trên thị trường năng lượng quốc tế không chỉ đã cao hơn rất nhiều so với giá 75USD/thùng mà Bộ Tài chính Nga đưa ra khi dự toán năm 2011, hơn nữa cũng cao hơn giá kỳ vọng 81USD/thùng của Bộ Tài chính Nga đối với giá dầu trung kỳ.
Nhà chức trách Nga cho biết, giá dầu mỏ xuất khẩu của Nga đã đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây, và khoản thu khổng lồ ngoài kế hoạch này rất có khả năng sẽ lấp đầy lỗ hổng trong dự toán tài chính của Nga năm 2011. Đối với lãnh đạo Nga, đây là “khoản tiền bất ngờ”.
Hơn một tháng trước, ngày 28-2, khi báo cáo với Thủ tướng Vladimir Putin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin còn nói, năm nay thâm hụt tài chính liên bang chiếm tỉ lệ không đến 2% GDP, điều này rõ ràng thấp hơn mức 3,6% trong dự toán liên bang năm 2011 dự tính. Đối mặt với “tình hình có lợi” là giá dầu quốc tế không ngừng tăng lên, Alexei Kudrin gần đây đã thay đổi cách nói: “Nếu dầu mỏ có thể ổn định với mức giá cao thì dự toán tài chính năm nay của Nga rất có khả năng không thâm hụt”.
Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Keliebaqi thậm chí mạnh dạn dự đoán: “Nếu chính phủ không tăng chi tiêu tài chính ngoài dự toán thì năm nay Nga rất có khả năng thặng dư tài chính, mức thặng dư khoảng 1% GDP.
Được biết thêm, Ngân hàng trung ương Nga tuyên bố, chỉ trong 1 tuần từ ngày 18 đến 25-3, dự trữ quốc tế của Nga đã tăng 4 tỉ USD, từ 500 tỉ USD tăng đến 504 tỉ USD. Cuối tháng 1 năm nay, dự trữ quốc tế của Nga là 479,379 tỉ USD, tăng 5,14% trong 2 tháng. Như vậy, dự trữ quốc tế của Nga hiện nay đã gần đạt mức cao nhất từ sau khủng hoảng tiền tệ. Trước đó, dự trữ quốc tế của Nga trong trung tuần tháng 8 năm 2008 đạt 598,1 tỉ USD.
Trên thực tế, chính nhân cơ hội Mỹ và Châu Âu bận “đốt tiền” tại Libya, Nga lại “đếm tiền” dựa vào tình hình Libya.
Nga tại Libya: Chân dung “người bị hại”
Ngày 28-3, khi tạm thời rút khỏi Libya, Công ty dầu mỏ Tatneft của Nga đã công bố tổn thất kinh tế do diễn biến tình hình Libya gây ra. Lãnh đạo công ty này tiết lộ, hiện tại tổn thất kinh tế bước đầu của công ty này tại Libya là 100 triệu USD. Có chuyên gia theo đó dự đoán, nếu công ty này buộc phải hoàn toàn rút khỏi Libya thì tổn thất ít nhất có thể lên đến 200 - 220 triệu USD.
Về vấn đề này, Giám đốc Tatneft Phinehas Ivanov từng tiết lộ: “Nếu Libya thay đổi chính phủ thì hợp đồng giữa Công ty dầu mỏ Tatneft và chính phủ hiện tại của Libya rất có thể bị hủy bỏ, khi đó công ty có khả năng tổn thất 240 đến 260 triệu USD”.
Một nhà tư vấn kinh tế của Nga cho biết: “Diễn biến bất ngờ của tình hình Libya khiến cho các doanh nghiệp Nga đầu tư tại Libya đã gặp phải nhiều tổn thất với nhiều mức độ khác nhau, có khác chỉ là về số tiền tổn thất”.
Được biết, trước khi có biến động ở Libya, Công ty đường sắt Nga đang thi công đường sắt dài 550km nối liền thành phố Hilt và thành phố Benghazi cho chính phủ Libya. Năm 2008, Công ty đường sắt Nga chính thức ký hợp đồng trị giá 2,2 tỉ euro với Libya. Ngoài ra, tháng 2-2011, Công ty Khai thác dầu mỏ thuộc Công ty TNHH cổ phần công nghiệp khí đốt của Nga ky1 hợp đồng trị giá 160 triệu USD với Công ty năng lượng Eni của Italy, chuẩn bị cùng khai thác giếng dầu tại Libya.
Trên thực tế, ngoài những hợp đồng năng lượng và xây dựng công trình nói trên, Nga còn có hợp đồng bán vũ khí quân sự với Libya. Người phụ trách Công ty xuất khẩu kỹ thuật Nga Chemezov tiết lộ, do Nghị quyết trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Libya, Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga không thể bán vũ khí cho Libya theo hợp đồng hai bên đã kí kết, dẫn đến rất có khả năng mất phi vụ làm ăn béo bở với tổng giá trị 4 tỉ USD này.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga phân tích: “Lợi ích kinh tế bị tổn thất tại Libya hoàn toàn có thể được bù gấp đôi từ giá dầu tăng cao do tình hình bất ổn tại Libya và Bắc Phi mang lại. Ngoài ra, tình hình bất ổn tại Libya và Bắc Phi khiến nguồn cung ứng dầu mỏ và khí đốt của các nước Châu Âu “mắc cạn”. Các nước này không thể không “cầu cứu” Nga, hi vọng Nga mở rộng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đối với thị trường Châu Âu. Điều này đã củng cố hơn nữa hình ảnh nhà cung ứng ổn định của Nga tại thị trường năng lượng Châu Âu.
Được biết, giá dầu quốc tế cứ tăng thêm 1USD/ thùng thì kho bạc nhà nước Nga sẽ thu vào thêm 2 tỉ USD. Từ đó có thể thấy, Nga không hoàn toàn giống “người bị hại” do tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi; mà trái lại là người hưởng lợi, hơn nữa, hưởng lợi rất lớn.
Theo VTC