Hiệu quả ứng dụng laser quang châm tại các trạm y tế cơ sở

Thứ năm, ngày 24/07/2014

Từ một phương pháp điều trị mới ít người biết đến, đến nay laser quang châm đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn tỉnh và ngày càng được người dân tin tưởng…

 

Bác Huỳnh Thị Tỷ bị đau cột sống đang điều trị bằng quang châm laser tại Trạm Y tế phường Bình Nhâm, TX.Thuận An Ảnh: Đ.LÊ

Năm 2007, Trạm Y tế phường Bình Nhâm, TX.Thuận An được trang bị 2 máy quang châm laser, 1 máy 10 đầu châm và 1 máy 2 đầu rọi. Song song đó nhân viên của trạm cũng đã được Hội Laser y học tỉnh đào tạo để sử dụng thiết bị hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Minh Lễ, Trưởng Trạm Y tế phường Bình Nhâm cho biết, nếu như trước đây ít người biết đến thì hiện nay hàng ngày đều có bệnh nhân đến Trạm Y tế phường Bình Nhâm để được điều trị bằng quang châm laser. Trung bình mỗi tháng có hàng chục bệnh nhân đến trạm y tế điều trị bằng phương pháp này. Bác Huỳnh Thị Tỷ (82 tuổi) ở khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu cho biết, đã 9 tháng nay bác bị đau cột sống đến nổi không đi đứng được, sau 3 tuần điều trị quang châm laser tại Trạm Y tế phường Bình Nhâm bác đã đỡ đau rất nhiều và đã có thể đi lại được.

Để phương pháp điều trị bằng quang châm laser được ứng dụng rộng rãi trong toàn tỉnh như hiện nay là nhờ có sự đóng góp rất lớn của các thầy thuốc tâm huyết đang sinh hoạt trong Hội Laser Y học tỉnh. Thầy thuốc ưu tú Lê Hưng chia sẻ, lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế rất quan tâm đến các hoạt động của Hội Laser Y học tỉnh cũng như những ứng dụng quang châm trong chăm sóc sức khỏe người dân. Cụ thể, đến nay hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được trang bị máy quang châm laser, kể cả các trạm y tế vùng sâu, vùng xa. Điều mà nhiều tỉnh, thành khác chưa làm được. Ứng dụng laser bán dẫn công suất thấp tại các Trạm Y tế xã, phường thời gian qua đã góp phần tích cực vào chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương. Phương pháp điều trị bằng quang châm laser có ưu điểm là không gây đau, không gây chảy máu, thay thế vai trò của cây kim trong châm cứu truyền thống, tránh được việc lây truyền bệnh đồng thời cũng đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn. Tại các trạm y tế cơ sở, quang châm laser được dùng để điều trị các bệnh thông thường như: viêm xoang, viêm khớp, đau lưng cơ năng, tý chứng… Tuy nhiên, theo các thầy thuốc, hiệu quả cao nhất là kháng viêm và giảm đau, những chứng bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa sinh học trong cơ thể.

Tính đến nay, Hội Laser Y học tỉnh đã thực hiện 4 dự án về laser bán dẫn công suất thấp tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cơ sở góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đào tạo hàng trăm kỹ thuật viên để sử dụng thiết bị quang châm laser một cách có hiệu quả. Ngoài ra, hội cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học nhằm tạo điều kiện sinh hoạt cho hội viên. Lương y Trần Đình Hợp, Chủ tịch Hội Laser Y học tỉnh cho biết, hiện nay hội đã tập hợp được trên 400 hội viên trong và ngoài tỉnh - những người quan tâm đến học thuật laser y học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau - cùng tham gia trao đổi và học tập. Ông Hợp cho biết thêm, Bình Dương là tỉnh có các hoạt động mạnh về laser bán dẫn công suất thấp nhưng hiện nay hội cũng đang tập trung phát triển hoạt động của laser công suất cao.

Tuy laser bán dẫn công suất thấp đã được phủ sóng rộng khắp trong toàn tỉnh và phương pháp điều trị này đang dần chứng minh hiệu quả, được người dân tin tưởng nhưng bên cạnh đó cũng có một điều đáng tiếc mà theo chúng tôi được biết là hiện nay có một số trạm y tế tuyến xã còn bỏ phí thiết bị laser quang châm do không có người sử dụng máy. Trong khi đó các máy quang châm nếu bỏ không không sử dụng dưới thời tiết độ ẩm cao như trong mùa mưa thì chỉ một thời gian ngắn máy sẽ bị rỉ sét, bộ cảm biến điện từ sẽ bị lệch pha… Hy vọng trong thời gian tới hạn chế này sẽ được các trạm y tế khắc phục và phương pháp quang châm laser sẽ phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực vào công tác chữa bệnh cho người dân.

 

 ĐỨC LÊ