Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
(BDO) Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong những công nghệ được phát triển dựa trên những ngành khoa học cơ bản như vi sinh vật học, di truyền học, sinh hóa học.., từ đó tạo ra các sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện Bình Dương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, do vậy việc ứng dụng CNSH là cần thiết.
Tạo ra nguồn giống tốt
Theo các nhà nghiên cứu, thành tựu sớm nhất của CNSH trên cây trồng là nuôi cấy mô thực vật. Với kỹ thuật này cho phép nhân giống các loại cây trồng trong phòng thí nghiệm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các điều kiện dinh dưỡng, xử lý bệnh hại… từ đó cho ra cây giống tốt nhất, cho năng suất cao.
Anh Võ Thế Nguyên đang kiểm tra chu kỳ phát triển của các meo giống trong phòng phân lập duy trì meo giống. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Tại Bình Dương, hiện nay, ngoài các phòng thí nghiệm của các công ty sinh học, trường đại học, người dân cũng từng bước tiếp cận với việc nhân giống trong phòng thí nghiệm và bước đầu đã mang lại thành công; tiêu biểu như nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, nhân giống lan rừng, nhân giống phôi nấm bào ngư, nấm linh chi… Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết hiện nay trường đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực CNSH, như nuôi trồng nấm dược liệu, nuôi cấy tế bào thực vật trong nhân giống và phục tráng giống cây trồng… Với việc nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo chủng Cordyceps militaris trên môi trường tổng hợp, có thể thấy nhà trường đã thành công bước đầu trong nghiên cứu nuôi trồng các loại nấm dược liệu có giá trị trên môi trường nhân tạo, nhất là trong y tế, để nuôi cấy quy mô lớn và sản sinh ra hợp chất có tác dụng điều trị bệnh ung thư, kháng virus, kháng khuẩn…
Anh Đoàn Lai Uyên (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) - người đã thành công trong việc nhân giống các loại lan rừng trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp cấy mô, chia sẻ với việc áp dụng CNSH đã giúp anh lựa chọn nguồn gen tốt nhất để bảo tồn và mang lại hiệu quả cao trong việc nhân giống. Thực tế cho thấy, giống từ nuôi cấy mô tế bào có sức đề kháng, năng suất cao hơn, vì trong quá trình nhân giống anh đã loại bỏ các cá thể yếu, chỉ chọn những cá thể tốt, khoẻ mạnh.
Hiệu quả rõ rệt
Anh Uyên cho biết hiện nay phòng nuôi cấy mô tế bào của anh được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, với đầy đủ các thiết bị, máy móc, kỹ thuật hiện đại, đáp ứng tốt việc sản xuất nhân giống và bảo tồn nguồn gen lan rừng để bảo tồn, cũng như cung ứng cho thị trường trong nước. Trung bình mỗi năm, việc cung cấp lan giống mang lại cho anh hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Võ Thế Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH nấm Nguyên Phúc (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), việc xây dựng phòng phân lập để duy trì meo giống các loại nấm và đây cũng chính là nơi bảo quản, nhân giống các loại nấm theo phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất được khoảng 150.000 bịch phôi nấm các loại, vừa cung cấp cho các trang trại nuôi trồng vừa bán cho các trang trại nấm khác. Anh cũng đang nghiên cứu việc áp dụng các tiến bộ khoa học để sấy khô nấm bào ngư và sấy khô đông trùng hạ thảo để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Riêng đối với trường Đại học Thủ Dầu Một, hiện đã sản xuất các sản phẩm chức năng từ nấm dược liệu để phục vụ người tiêu dùng như cao chiết đông trùng hạ thảo, rượu ngâm đông trùng hạ thảo, trà túi lọc linh chi… Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, hy vọng trong thời gian tới, chủng nấm có thể nuôi trồng rộng rãi. Nhà trường cũng sẽ liên kết với các ngành chức năng để mở rộng khả năng sản xuất nấm có dược tính, giá trị kinh tế cao tại Bình Dương và các vùng lân cận nhằm hạ giá thành sản phẩm; đồng thời chuyển giao công nghệ đến người dân.
KHÁNH ĐĂNG