Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ phiên tòa giả định
(BDO) Đoàn khối Các cơ quan (ĐKCCQ) tỉnh vừa phối hợp cùng Chi đoàn Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa giả định và tuyên truyền pháp luật tại phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Đây là một hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật rất hiệu quả trong thanh niên, công nhân và người dân tại địa phương, nhằm phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Phiên tòa giả định mang tính răn đe và tuyên truyền pháp luật sinh động, dễ hiểu. Ảnh: T.L
Theo đó, “phiên tòa giả định” được tổ chức qua xử vụ án “cướp giật tài sản”, lồng ghép với tư vấn thủ tục hành chính, cấp đổi giấy phép lái xe, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, tuyên truyền các luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Theo nội dung cáo trạng từ “phiên tòa giả định”, 2 đối tượng thanh niên là bạn bè say xỉn do nhậu nhẹt, sau đó trong quá trình di chuyển, các “đối tượng” này nảy sinh ý đồ cướp giật dây chuyền vàng của người đi đường đang lưu thông. Bị giật dây chuyền, nạn nhân đã tri hô và đuổi theo đối tượng cướp giật. Cùng với sự hỗ trợ của công an viên trên địa bàn và nhân dân, các “đối tượng” cướp giật đã bị bắt...
Trực tiếp theo dõi phiên tòa giả định từ đầu đến khi kết thúc, anh Trương Văn Hồ, một người dân tại phường Mỹ Phước chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết được diễn biến phiên tòa qua chương trình truyền hình “Tòa tuyên án” nhưng hôm nay mới tận mắt thấy được một “phiên tòa giả định: diễn ra thực tế, thấy được sự uy nghiêm của phiên tòa, càng thấy rõ được tính răn đe và thông điệp tuyên truyền về pháp luật đối với người dân. Hy vọng sẽ có nhiều “phiên tòa giả định” như thế này hơn nữa để tuyên truyền pháp luật đến với mọi người”.
Được biết, đây là lần thứ 4 hình thức tuyên truyền pháp luật theo dạng “phiên tòa giả định” được ĐKCCQ tỉnh tổ chức trong năm 2016. Nội dung của “phiên tòa giả định” thường thay đổi nội dung theo từng địa bàn tuyên truyền. Tuy nhiên, các nội dung chủ yếu xoay quanh một số vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay như các tội cướp giật tài sản, giết người, bạo lực học đường, bạo lực do nghiện game... Những phiên tòa giả định mang tính trực quan như trên không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn hoạt động của những người “cầm cân nẩy mực”, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính hướng thiện trong pháp luật hình sự của Nhà nước đối với những người đã phạm tội thông qua các mức án được tuyên xử…
Chị Phùng Thị Phương Lê, Phó Bí thư ĐKCCQ tỉnh cho biết: “Số lượng 4 “phiên tòa giả định” trong năm 2016 chưa hẳn là nhiều nhưng thông điệp mà các phiên tòa mang lại đã thực sự phát huy hiệu qủa. Trong thời gian tới, ĐKCCQ tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều “phiên tòa giả định” hơn nữa với các tiêu chí nâng cao chất lượng của từng phiên tòa, đa dạng hóa các “tội phạm” trong “vụ án”, đa dạng nơi tổ chức phiên tòa để đưa pháp luật đến gần hơn với người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên công nhân”.
Rõ ràng, các “phiên tòa giả định” đã mang đến những tình huống pháp luật cụ thể, gần gũi, phù hợp với công việc và cuộc sống của đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân; từ đó giúp cho mọi người có thể áp dụng vào cuộc sống một cách linh hoạt và phù hợp nhất. Được biết, trong thời gian tới, những “phiên toàn giả định” sẽ hướng tới phổ biến pháp luật cho thanh niên công nhân, thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động rộng rãi phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội…
THANH LÊ