Hiệu quả từ việc áp dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn
(BDO)
Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015. Cùng với các lĩnh vực khác, hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) đã được tỉnh Bình Dương chủ động triển khai và có nhiều đóng góp vào việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Nhờ dự án “Nhân rộng mô hình điểm truy cập thông tin KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tại một số xã, phường”, anh Huỳnh Văn Mười ở khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An đã có những thông tin cần thiết giúp cho việc chăn nuôi của anh thuận lợi, tạo nguồn thu ổn định
Hiệu quả từ thực tế
Vào những ngày cuối năm 2015, chúng tôi về lại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng tham quan mô hình trồng ổi lê Đài Loan của ông Lê Hoàng Châu, một trong những hộ tham gia dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan tại huyện Bàu Bàng, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (TTƯDTBKHCN) tỉnh thực hiện. Nhìn những cây ổi lê trĩu quả, trái to căng tròn, ông Châu phấn khởi cho biết, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án, lúc đầu ông còn gặp một số khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của TTƯDTBKHCN và cùng với kinh nghiệm trong nhiều năm trồng cây ăn trái nên việc trồng ổi lê Đài Loan giờ đây đã có hiệu quả. Hiện tại, 1 ha vườn ổi lê Đài Loan trồng ở huyện Bàu Bàng cho năng suất hơn 40 tấn, lúc mới triển khai chỉ đạt 4 tấn. Đây là giống ổi có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian thu hoạch nhanh (từ 3,5 - 4 tháng), cho ra trái quanh năm nên đã tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Trở lại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Giáo, chúng tôi thấy đã có những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh, theo đó thời gian khám và phát thuốc cho bệnh nhân đã giảm đi đáng kể. Anh Nguyễn Văn Lành ở xã An Linh, huyện Phú Giáo cho biết, trước đây khi đưa con đi khám bệnh anh phải tốn nhiều thời gian, nhất là chờ để giải quyết các thủ tục hành chính, rồi đi khám phải cầm theo hồ sơ. Nhưng hiện nay, chỉ đọc tên, lấy số thứ tự và chờ gọi tên. Tất cả hồ sơ của con anh đã được lưu vào máy tính trong lần khám trước nên thời gian khám bệnh và lấy thuốc rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc TTYT huyện Phú Giáo đánh giá, từ khi triển khai ứng dựng công nghệ thông tin (CNTT) công tác khám chữa bệnh tại TTYT đã có bước chuyển biến tích cực, thời gian khám chữa bệnh cho người dân giảm xuống đáng kể. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT còn giúp sự liên thông thông tin của bệnh nhân giữa các phòng ban được diễn ra theo thời gian thực hiện nên việc giải quyết từ chẩn đoán bệnh, viện phí đến phát thuốc rất thuận lợi.
Đến tìm hiểu Mô hình điểm truy cập thông tin KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy ở đây là hầu hết máy tính đều được sử dụng hết công suất phục vụ cho người dân. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng cho biết, qua việc triển khai mô hình này, hiện nay người dân đã sử dụng thành thạo máy vi tính, biết dùng internet để tra cứu các thông tin về KHCN, mô hình sản xuất nông nghiệp mới...
Tập trung cho những đề tài có tính ứng dụng cao
Theo lãnh đạo Sở KHCN, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020. Do đó, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ (NCKH-PTCN) sẽ tập trung vào những đề tài liên quan đến bảo vệ môi trường, tài nguyên và biến đổi khí hậu; cơ khí, chế tạo máy; nông nghiệp... Tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác thông tin sở hữu trí tuệ, hướng dẫn, hỗ trợ việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng về quản lý sở hữu công nghiệp trong xuất nhập khẩu thực hiện các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ…
Để phát huy hiệu quả NCKH-PTCN vào thực tiễn, tới đây Sở KHCN sẽ đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN nhằm xác định địa chỉ ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ và được lãnh đạo tổ chức, cơ quan cam kết sử dụng kết quả được tạo ra khi nhiệm vụ KHCN hoàn thành.
“Sở đã trình UBND tỉnh danh mục nhiệm vụ NCKH-PTCN năm 2016 để thông báo tuyển chọn đơn vị chủ trì, trong đó sẽ tập trung vào một số đề tài có tính ứng dụng cao như: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác phòng chống lụt bão và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bình Dương; nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương.... Bên cạnh đó, sở cũng sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra tính hiệu quả của việc triển khai những đề tài, dự án đã nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng”, ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết.
Đánh giá về hoạt động KHCN năm 2015 của tỉnh, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, năm 2015, hoạt động KHCN đã được triển khai tốt, bảo đảm tiến độ và chất lượng; nhiều đề tài, dự án đã phát huy được hiệu quả thực tiễn. Bên cạnh đó, việc đặt hàng nhiệm vụ NCKH-PTCN từ các sở, ban, ngành về nghiên cứu ứng dụng KHCN năm 2015 nhiều hơn so với các năm trước. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị trong việc ứng dụng KHCN vào quản lý, sản xuất...
HOÀNG PHẠM