Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ bảy, ngày 29/06/2019

(BDO) Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng đã tập trung phát triển cây ăn quả có múi trên đất trồng cao su già năng suất thấp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Vườn măng cụt của ông Nguyễn Văn Tỵ, Tổ trưởng Tổ măng cụt Thanh Tuyền (xã Thanh Tuyền) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh:
HỒNG NGA

Tiếp tục quan tâm lĩnh vực trồng trọt

Huyện Dầu Tiếng có 62.274,7 ha đất sản xuất nông nghiệp. Qua hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn huyện đến nay còn 50.000 ha (giảm 2.783 ha so với năm 2013). Theo Phòng Kinh tế huyện, nguyên nhân diện tích cao su tiểu điền giảm là do nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thanh lý (cao su già cho năng suất thấp) để xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả và các loại cây ngắn ngày. Thêm vào đó, giá mủ cao su liên tiếp giảm mạnh trong những năm qua cũng là nguyên nhân khiến người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Hiện nay, diện tích cây ăn quả trong toàn huyện là 615 ha, tăng 425 ha so với năm 2013. Hiện diện tích cây có múi trên địa bàn huyện cho thu hoạch đạt doanh thu từ 1,4 - 1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 800 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng hình thành 2 vùng trồng chuối (cấy mô) với diện tích 144 ha (27 ha ở xã Thanh Tuyền, 117 ha ở xã Thanh An); sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất đạt 40 tấn/ha/năm, doanh thu 500 triệu đồng/ha.

Với lợi thế thổ nhưỡng, 2 xã Thanh An và Thanh Tuyền đã xây dựng dự án khảo nghiệm giống cây măng cụt. Kết quả cho thấy, vùng đất này phù hợp để phát triển cây măng cụt với chất lượng cao. Do vậy, huyện tiếp tục đầu tư trồng thêm khoảng 72 ha măng cụt tại 3 xã Thanh An, Thanh Tuyền và An Lập. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh khảo nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh 10 ha cây có múi tại 2 xã Minh Thạnh và Minh Hòa đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ mô hình này, đến nay các hộ gia đình trong huyện đã nhân rộng với diện tích trên 70 ha.

Bên cạnh phát triển cây có múi, huyện cũng quan tâm phát triển nông nghiệp đô thị (sinh vật cảnh, hoa, nấm ăn, nấm dược liệu, cá cảnh, rau). Một số mô hình phát triển phổ biến hiện nay trên địa bàn huyện như hoa lan, cá kiểng, bon sai với diện tích khoảng 11 ha. Để phát triển mạnh mô hình này, huyện đã thành lập Hội Sinh vật cảnh, tập hợp những nghệ nhân có kinh nghiệm tạo ra sản phẩm và hướng dẫn nông dân thực hiện. Hiện, trên địa bàn huyện có những mô hình điển hình như trang trại hoa lan Mai Quốc (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa) diện tích 6,5 ha, trang trại nấm Minh Khải, trại nấm Tấn Hưng (xã Long Hòa)…

Phát triển chăn nuôi công nghệ cao

Từ năm 2013 đến nay, ngành chăn nuôi tại địa phương phát triển khá nhanh do huyện đã kịp thời điều chỉnh quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp gắn với giết mổ. Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện chọn heo, gà và bò là vật nuôi được chú trọng phát triển.

Đến nay, toàn huyện có 103 trại gà, 116 trại heo, trong đó có 67 trại gà lạnh, 54 trại heo lạnh. Với quy mô đàn heo 139.300 con, hàng năm địa phương cung ứng cho thị trường 27.860 tấn, giá trị đạt trên 8,4 tỷ đồng/ha/ năm; giá trị chăn nuôi gà đạt 1,248 tỷ đồng/ha/năm với quy mô đàn trên 3 triệu con. Toàn huyện hiện có tổng đàn trâu, bò 3.927 con, tăng 35% so với năm 2013, trong đó địa phương chú trọng phát triển đàn bò sữa (1.345 con).

Theo UBND huyện Dầu tiếng, hiện nay việc quản lý xây dựng dọc các tuyến đường giao thông được địa phương rất quan tâm. Các đề án, đồ án quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch vùng chăn nuôi gắn với giết mổ tại các xã, thị trấn đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, việc điều chỉnh quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp sẽ tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bền vững trên các loại cây trồng chủ lực (cây cao su, cây ăn quả đặc sản và sinh vật cảnh) và phát triển các loại vật nuôi chính (heo, bò, gia cầm và nuôi trồng thủy sản).

Với những chủ trương, giải pháp kịp thời và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay sản xuất nông nghiệp ở huyện đã đạt những kết quả quan trọng. Đây là những tiền đề để huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

 MY PHAN