Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP

Thứ sáu, ngày 08/12/2017

Sản xuất nông sản sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp nước ta. Việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và truy xuất được nguồn gốc là một trong những bước cần thiết để góp phần nâng cao giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường.

(BDO)

 Ông Nguyễn Văn Tỵ bên vườn măng cụt của gia đình, ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Nhiều trang trại áp dụng VietGAP

Năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 11). Đối tượng và sản phẩm áp dụng theo quyết định này là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) quy định và danh mục sản phẩm đặc thù do UBND tỉnh ban hành.

Thực hiện Quyết định số 11, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh hỗ trợ các trang trại đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào sản xuất nông nghiệp. Người sản xuất sẽ được đầu tư 100% kinh phí cho điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, xác định vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tập trung; đồng thời hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP. Bên cạnh đó, các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho chủ trang trại về cách thức áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm an toàn cũng được tổ chức một cách thường xuyên, giúp các chủ trang trại nâng cao nhận thức, hiểu biết về quy trình VietGAP.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP còn giúp nông dân các địa phương nâng cao nhận thức về vấn đề chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là theo định hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, để các sản phẩm nông sản của Bình Dương cạnh tranh tốt trên thị trường.

Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cho biết, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 11 đã có 37 trang trại được hỗ trợ xây dựng chứng nhận VietGAP với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 66 trang trại được chứng nhận VietGAP, trong đó có 42 trang trại trồng trọt và 24 trang trại chăn nuôi. Theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020 sẽ có khoảng 180 trang trại áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, chiếm 20% tổng số trang trại trong toàn tỉnh.

Trang trại Chiến Thắng (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) được đầu tư từ năm 2000, sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp. Trang trại có tổng diện tích trên 300 ha, được đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong ngành chăn nuôi và trồng trọt. Trang trại có 40 ha bưởi, 40 ha chanh không hạt, 20 ha chuối và một số loại cây ăn trái đều được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được theo dõi kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch nông sản. Nhờ đó, nông sản của trang trại bảo đảm an toàn, năng suất cao; sản lượng bưởi đạt hơn 10 tấn/ha, chanh không hạt đạt hơn 50 tấn/ ha, chuối đạt hơn 15 tấn/ha.

Ông Nguyễn Đức Thắng, chủ trang trại Chiến Thắng cho biết, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, trang trại đã áp dụng thành công quy trình sản xuất sạch và đạt được chứng nhận VietGAP. Nhờ đó, ngoài cung cấp cho một số cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối, sản phẩm của trang trại đã được các đối tác ở TP.Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu đi Hàn Quốc, Trung Đông, châu Âu...

Tạo nguồn thu nhập ổn định

Xác định sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP là sự đầu tư hiệu quả và bền vững nhất, toàn bộ diện tích bưởi da xanh của Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy rộng hơn 34 ha, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng đều được bà Nguyễn Thanh Thủy đầu tư theo quy trình VietGAP. Diện tích bưởi đều sử dụng phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai và phân đa vi lượng; áp dụng phương pháp chăm sóc cây trồng theo hướng sinh học, có sự kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng trong quá trình chăm sóc, xây dựng nhà bảo quản và đóng gói theo mô hình VietGAP. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy chủ yếu là ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang một số nước như HàLan, Séc... với sản lượng hơn 200 tấn/năm. Với sản lượng lớn và đầu ra ổn định, doanh thu bình quân hàng năm của công ty đạt hơn 15 tỷ đồng.

Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vườn măng cụt với diện tích 1,5 ha được ông Nguyễn Văn Tỵ, nông dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đầu tư xây dựng vườn măng cụt theo quy trình sản xuất sạch và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ông Tỵ cho biết trung bình mỗi ha măng cụt của ông cho năng suất 6 - 8 tấn, mỗi kg được thương lái thu mua khoảng 40.000 - 50.000 đồng, mang lại cho gia đình ông thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại hoa màu và cây ăn trái khác.

Từ những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cung ứng lượng lớn hàng hóa nông sản an toàn cho thị trường và hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần gia tăng giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

 QUỲNH NHIÊN