Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ
(BDO) Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất sản phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, thời gian gần đây, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) rất được tỉnh quan tâm và đạt được kết quả tốt.
Hợp tác xã Nhân Đức áp dụng mô hình phân hữu cơ tự sản xuất tại đơn vị mang lại hiệu quả kinh tế cao
Xu thế chung
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết sản xuất NNHC được hiểu là sản xuất không sử dụng hóa chất. Từ năm 2017, thực hiện Quyết định số 3265/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng Nam Bình Dương giai đoạn 2016-2020, sở đã xây dựng và triển khai mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ để từng bước giúp người sản xuất giảm dần hàm lượng các yếu tố vô cơ đầu vào trong sản xuất và nâng dần tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và các yếu tố đầu vào khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có những doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất NNHC và đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Đại diện Hợp tác xã Nhân Đức (Bắc Tân Uyên), cho biết các sản phẩm cam của hợp xã đạt chứng nhận hữu cơ có giá bán rất tốt, cao gấp 2 - 3 lần so với các sản phẩm thông thường trên thị trường. Điều quan trọng là sản lượng bưởi của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, nên các thành viên rất an tâm đầu tư sản xuất theo hướng này.
Ghi nhận cho thấy, khó khăn trước hết đối với việc phát triển NNHC hiện này là trên địa bàn chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ; bên cạnh đó các quy trình sản xuất NNHC, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế; người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác... Chính vì vậy, tuy nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm NNHC vẫn khó tiêu thụ, chỉ các tổ chức, cá nhân có hợp đồng trước với đầy đủ chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.
Phát triển bền vững
Theo tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam, sản xuất hữu cơ là một hệ thống một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, của hệ sinh thái và con người; nó dựa chủ yếu vào các tiến trình sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích nghi với điều kiện địa phương hơn là sử dụng các yếu tố đầu vào mang theo những ảnh hưởng bất lợi. NNHC kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho môi trường chung, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành phần tham gia.
Trao đổi về những khó khăn trong việc sản xuất hữu cơ của các địa phương, doanh nghiệp trong nước hiện nay, tiến sĩ Hà Phúc Mịch cho biết có 3 khó khăn lớn. Thứ nhất, người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về NNHC và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang NNHC. Thứ hai, hạ tầng phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư cho NNHC…) cho NNHC của nhiều địa phương trong nước hầu như chưa có. Thứ ba, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi tiêu chuẩn của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu…
Lãnh đạo Hiệp hội NNHC Việt Nam cho biết rất phấn khởi vì Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển NNHC bền vững. Trong khuôn khổ, chức năng, nhiệm vụ và khả năng cho phép, hiệp hội luôn đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức liên quan nhằm phát triển NNHC ổn định, bền vững. Với Bình Dương, lãnh đạo hiệp hội mong muốn địa phương, các doanh nghiệp khi phát triển NNHC cần có phương án, đối sách và chiến lược cụ thể phù hợp để xử lý được những khó khăn trên đây.
TIỂU MY