Hiệu quả từ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Thứ sáu, ngày 16/02/2024

(BDO)  Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.200 tấn/ngày. Trước thực trạng trên, thời gian qua tỉnh đã tăng cường triển khai phân loại CTRSH tại nguồn nhằm đem lại lợi ích kinh tế, nâng cao hiệu quả xử lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng cuộc sống văn minh hơn.

 Huyện Bắc Tân Uyên tổ chức lễ phát động thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Ảnh: NHƯ Ý

 Thí điểm đạt hiệu quả tích cực

Để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, năm 2017 Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thí điểm thực hiện trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thực hiện thí điểm tại xã Phú An (TX.Bến Cát), phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một), khu phố Bình Hòa, Nguyễn Trãi (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An), khu phố Nhị Đồng 2 (phường Dĩ An, TP.Dĩ An).

Ngoài cấp xã, huyện, Sở TN&MT triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đối với 12 tổ chức dọc tuyến đường đại lộ Bình Dương và một số tuyến đường trung tâm, bao gồm: Siêu thị Aeon Mall, Bệnh viện quốc tế Becamex, chung cư Sora Garden, siêu thị Co.op Mart Bình Dương 2, Lotte Mart, Mega Market, khách sạn Becamex, khách sạn The Mira, chung cư Horizon, Trung tâm Thương mại Becamex, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, siêu thị BigC. Giai đoạn thí điểm CTRSH được phân làm 2 loại bao gồm chất thải thực phẩm hữu cơ và chất thải còn lại. Trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm, mô hình hay để việc phân loại CTRSH phát huy hiệu quả.

TP.Dĩ An là một trong những địa phương điển hình, năng động với các giải pháp cụ thể. Theo bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN&MT TP.Dĩ An, ngoài thực hiện thí điểm ở khu phố Nhị Đồng 2 với 400 hội dân, thành phố đã chủ động mở rộng phạm vi thực hiện đến các địa bàn ở phường Đông Hòa, An Bình và Tân Đông Hiệp. Từ đó hiệu quả của chương trình đã được lan truyền, mở rộng hơn, người dân dần hình thành ý thức cao, tự giác trong việc phân loại rác.

Ông Hồ Văn Hóa, người dân sinh sống trên đường số 1, KP.Nhị Đồng 2, cho biết: “Các hộ dân tại khu phố được phường phát 2 thùng rác nhỏ để trong nhà, gia đình trang bị thêm 2 thùng lớn ở trước nhà. Thời gian đầu còn bỡ ngỡ nhưng dần đã hình thành thói quen. Gia đình có dãy nhà trọ cho thuê nên chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người ở trọ trong việc phân loại rác, đa số đều có ý thức cao”.

Cũng theo bà Quách Kim Oanh, TP.Dĩ An đã thành lập tổ kiểm tra giám sát việc phân loại rác với sự phối hợp của các tổ chức hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền giúp cho việc triển khai chương trình đồng bộ. Ngoài ra, TP.Dĩ An còn mở rộng thêm đến đối tượng trường học. Năm 2020, thành phố đã thực hiện tuyên truyền cho học sinh từ cấp mầm non đến THPT lên đến 46 trường học.

Đặc biệt TP.Dĩ An còn áp dụng biện pháp biểu dương khen thưởng cho tổ chức, công dân thực hiện tốt mang lại ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh đó, địa phương cũng áp dụng chế tài xử phạt người dân bỏ rác không đúng nơi quy định, nếu người dân không phân loại rác, đơn vị sẽ từ chối thu gom. Đây là biện pháp mang tính chủ động, mạnh mẽ giúp việc thực hiện phân loại rác hiệu quả cao hơn.

Theo ông Ngô Thành Mua, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh, sau thời gian thí điểm chương trình phân loại CTRSH đã đạt được kết quả nhất định đặc biệt ý thức của người dân, trách nhiệm của lãnh đạo của các địa phương. Song, vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại, như một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa của việc phân loại và chưa thường xuyên thực hiện việc phân loại. Một số đơn vị chưa đầu tư tốt phương tiện thu gom, vận chuyển rác, thu gom không đúng tần suất, không đúng thời gian. Công tác kiểm tra giám sát một số địa phương chưa thực hiện thường xuyên.

Thực hiện đồng bộ, rộng khắp

Từ kết quả thực hiện trong giai đoạn đầu thí điểm, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều nhiệm vụ như ban hành văn bản thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật TN&MT 2020, ban hành kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025… Kế hoạch phân loại CRTSH tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vào năm 2025.

 TP.Dĩ An tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn tại 46/46 trường học các cấp trên địa bàn. Trong ảnh: Đoàn công tác Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tại trường Mầm non Thống Nhất. Ảnh: TIẾN HẠNH

Theo bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN&MT TP.Dĩ An, do có sự thay đổi trong hướng dẫn cách phân loại rác, UBND thành phố đã ưu tiên tập trung xây dựng nội dung tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh của 46 trường học các cấp trên địa bàn. Thành phố hướng tới mục tiêu năm 2025, tỷ lệ CTRSH được phân loại đúng quy định đạt 50%.

Ông Ngô Thành Mua cho biết thêm, để triển khai cho chương trình giai đoạn mới, năm 2023, Sở TN&MT đã ban hành 4 văn bản. Đồng thời tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ sở làm công tác môi trường cấp tỉnh, huyện, xã cũng như các tổ chức hội đoàn thể, MTTQ. Ngoài ra, sở thực hiện xây dựng clip, in ấn cẩm nang, tài liệu tuyên truyền. Về phía các địa phương, đến nay 8/9 địa phương đã ban hành quy định, kế hoạch về phân loại CTRSH tại nguồn. Đã có 6/9 địa phương quy hoạch, bố trí 9 trạm trung chuyển CTRSH, có 5/9 địa phương quy hoạch, bố trí điểm tập kết CTRSH.

 Để thực hiện chương trình phân loại CRTSH tại nguồn theo kế hoạch giai đoạn mới, trên cơ sở các văn bản đã ban hành, năm 2024 Sở TN&MT và một số huyện thị sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó tiếp tục xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Phối hợp với các địa phương nghiên cứu hình thức bao bì, túi đựng CTRSH phù hợp, xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH... Từ nay đến chậm nhất ngày 31-12-2024 sẽ đồng loạt triển khai phân loại CTSHTN theo kế hoạch của tỉnh, địa phương nào có hạ tầng tốt sẽ thực hiện sớm hơn để đạt được mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

 TIẾN HẠNH