Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
(BDO) Phát huy vai trò là cầu nối nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng, sau 5 năm triển khai thực hiện Hội Nông dân xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng) trở thành một trong những cơ sở hội được đánh giá quản lý nguồn vốn hiệu quả.
Cán bộ Hội Nông dân xã Thanh An kiểm tra mô hình sản xuất từ nguồn vốn vay ưu đãi
Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An, cho biết để nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn được ủy thác, ngay từ đầu năm hội đã theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thu hồi vốn gốc, trả lãi đúng hạn; chú trọng công tác bình xét cho vay vốn đúng đối tượng, công khai dân chủ, bảo đảm quy trình. Tính đến ngày 31-5-2020, Hội Nông dân xã đã tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác với tổng dư nợ trên 13,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33%/tổng dư nợ của toàn xã. Hội Nông dân xã hiện đang quản lý 12 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 8/8 ấp với 566 hộ dư nợ. Do làm tốt khâu tuyên truyền, vận động, giải thích về lợi ích của việc gửi tiền tiết kiệm, đến nay toàn xã có 100% tổ tiết kiệm và vay vốn, 97% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm trên 990 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,2 %
Nhờ tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, đời sống kinh tế của hội viên nông dân nâng lên. Nhiều nhiều hộ vươn lên làm giàu, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi điển hình. Có thể nói, nguồn vốn ủy thác cho vay đã gắn bó, đồng hành cùng hội viên nông dân trong tiến trình vươn lên thoát nghèo. Không những khích lệ tinh thần, vốn ưu đãi còn là nguồn lực tiếp sức cho nông dân được thuận lợi hơn trong sản xuất, đẩy mạnh nền kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”. Từ nguồn vốn ủy thác ưu đãi đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở nông thôn.
HỒNG NGA