Hiệu quả từ một hội thi viết về bảo vệ môi trường

Thứ năm, ngày 22/10/2020

(BDO) Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TX.Bến Cát phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã vừa tổ chức hội thi viết về chủ đề “Chống rác thải nhựa” cho học sinh (HS) trong 9 trường THCS trên địa bàn. Tổ chức hội thi nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường (BVMT), giúp HS nâng cao nhận thức, tăng khả năng tư duy sáng tạo về những vấn đề BVMT.


Ban Tổ chức hội thi trao thưởng cho các em học sinh đoạt giải

Học sinh tích cực hưởng ứng

Sau 3 tháng phát động, hội thi đã thu hút hơn 150 bức thư dự thi của các em HS đến từ 9 trường THCS trên địa bàn thị xã. Kết quả, 23 cá nhân và 4 tập thể trường học được khen thưởng vì đã có thành tích tốt trong hội thi. Trong đó, trường THCS Mỹ Thạnh đoạt giải nhất; HS Chang Vỹ Đình, lớp 8A4 (trường THCS Mỹ Thạnh) và HS Phạm Thanh Bình, lớp 8A8 (trường THCS Hòa Lợi) đồng giải ba (không có giải nhất và giải nhì cho khen thưởng cá nhân).

Đón nhận giải ba, Chang Vỹ Đình, lớp 8A4, chia sẻ: “Em không nghĩ mình sẽ có giải thưởng mà chỉ mong mình viết bằng ước mơ thì sẽ chạm đến ước mơ. Em ước mơ về một thế giới không còn rác thải nhựa để bảo vệ chính mình và mọi người. Em cũng ước mơ bức thư của mình sẽ thực sự tác động đến suy nghĩ của mọi người, nhân rộng để tác động đến hành động của mọi người”. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng TN&MT TX.Bến Cát, Trưởng ban Tổ chức hội thi, cho biết: “Hội thi đã phát huy những kiến thức đã học cho các em HS, những hiểu biết bên ngoài để vận dụng vào thực tiễn góp phần BVMT sống”.

Cũng theo ông Thắng, nhiều bức thư của các em có trí tưởng tượng bay bổng, những áng văn đẹp, ý tưởng độc đáo, được các em viết bằng những cảm xúc chân thật, rất cảm động. Nhiều bức thư viết gắn với những câu chuyện có thật trong cuộc sống, những nhân vật có thật ngoài đời. Nhiều giải pháp về chống rác thải nhựa được các em đưa ra. Phong trào chống rác thải nhựa giờ không chỉ là khẩu hiệu mà đã dần đi sâu vào nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của HS nói riêng và mọi người trong cộng đồng, góp phần chung tay BVMT.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, chống rác thải nhựa là cả một quá trình, cần rất nhiều thời gian để thay đổi nhận thức và thói quen của người sử dụng. Mặt khác, vì các sản phẩm nhựa quá tiện lợi, giá thành rất rẻ, do đó chưa có một sản phẩm nào có thể thay thế được lúc này. Chính vì vậy, phong trào “Chống rác thải nhựa” sẽ cần tiếp tục tuyên truyền, vận động.

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của rác thải nhựa, đồng thời với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND TX.Bến Cát, thời gian qua ngoài việc vận động tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện không sử dụng nước uống đóng chai bằng nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… Phòng TN&MT TX.Bến Cát đẩy mạnh hoạt động khác hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn. Tổ chức biên soạn và in ấn 10.000 tờ rơi, 250 áp phích tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nylon để cấp phát cho các đối tượng gồm HS, người nội trợ, tiểu thương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện phát thanh định kỳ vào thứ năm hàng tuần trong chuyên mục “TN&MT”…

Phòng TN&MT TX.Bến Cát đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã tổ chức cấp phát túi vải không dệt cho các tiểu thương tại chợ Bến Cát và người dân đi chợ. Ra mắt mô hình “Phụ nữ nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần”; tập huấn chuyên đề “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần”, tặng 100 giỏ nhựa và 100 chai nước thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Ngoài những hoạt động triển khai rộng rãi trên, việc tuyên truyền “Chống rác thải nhựa” còn được lồng ghép vào các hoạt động như sinh hoạt dưới cờ, họp định kỳ của cơ quan, các buổi sinh hoạt chuyên đề… hoặc trong các ngày hội lớn như Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

Qua hơn 1 năm triển khai tích cực các hoạt động tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ công chức và một bộ phận người dân được nâng lên. Cụ thể, trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời không còn sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích từ 330 đến 500ml), thay vào đó sử dụng các bình có dung tích lớn (hơn 20 lít) và các sản phẩm thân thiện với môi trường (giấy, bã mía, gỗ, tre…).

Cán bộ, công chức, viên chức đa phần tự trang bị bình nước cá nhân, hộp đựng thực phẩm khi mua thức ăn. Đối với một số em HS cũng từng bước nâng cao được nhận thức thông qua các đợt tuyên truyền và dần thay đổi được thói quen như tự trang bị bình đựng nước, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn… Đối với người dân tuy chưa có sự chuyển biến rõ nét, tuy nhiên các hình thức tuyên truyền đã ít nhiều tác động đến ý thức tiêu dùng và sử dụng túi nylon cũng như các sản phẩm nhựa hàng ngày.

 PHƯƠNG LÊ