Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác chăn nuôi

Thứ hai, ngày 22/08/2022

(BDO) Với kinh nghiệm sẵn có của các thành viên, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, thuận lợi về đất đai, Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản ấp Đồng Bà Ba, xã Long hòa, huyện Dầu Tiếng hoạt động khá hiệu quả, giúp nhiều thành viên tăng thu nhập, vươn lên khá giả.

 Ông Nguyn Thanh Hà, T trưng THT chăn nuôi bò sinh sn p Đng Bà Ba bên chung bò ca gia đình

 Ông Nguyễn Văn Chua, thành viên của THT trước đây làm nghề cạo mủ cao su, cuộc sống gia đình rất khó khăn, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Để tăng thêm thu nhập, ông quyết định gom góp vốn để đầu tư thêm vào chăn nuôi bò sinh sản với 5 con bò giống. Năm 2020, ông Chua được Hội Nông dân xã giới thiệu tham gia vào THT chăn nuôi bò sinh sản để cùng các thành viên khác chia sẻ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi. Ông Chua tâm sự: “Khi tham gia vào THT, gia đình lại càng yên tâm hơn gắn bó với nghề chăn nuôi bò vì được bao tiêu sản phẩm. Các thành viên THT còn được tiếp cận thêm nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để tăng đàn. Đến nay, tổng đàn bò của gia đình đã tăng lên 24 con và mỗi năm đều có bò đủ chuẩn để xuất chuồng. Hiện nay, tôi đã ngưng công việc cạo mủ cao su để dành toàn thời gian vào công việc chăn nuôi bò nên nguồn thu nhập của gia đình rất ổn định”.

Mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản được triển khai ban đầu có 9 thành viên, nhờ hoạt động hiệu quả đến nay đã thu hút thêm 2 thành viên gia nhập, nâng tổng số lên 11 thành viên. Sở dĩ Hội Nông dân xã Long Tân lựa chọn xây dựng mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản bởi hiện nay chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế tập thể của xã. Bên cạnh đó, với lợi thế đồng cỏ chăn thả rộng lớn đã giúp mô hình này phát huy được thế mạnh. Bà con nông dân, hộ thành viên nơi đây đã tận dụng những cánh đồng cỏ để nuôi chăn thả nên mô hình này không mất nhiều công chăm sóc và không mất nhiều vốn cho việc mua thức ăn.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổ trưởng THT chăn nuôi bò sinh sản, chia sẻ: “Tham gia vào THT các thành viên có nhiều cơ hội giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài việc vận dụng những kinh nghiệm sẵn có các thành viên còn được các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bảo vệ đàn gia súc, được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Gần đây nhất, mỗi thành viên đã được vay 50 triệu đồng/ người từ nguồn vốn ủy thác Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để tăng đàn”. Ông Hà cho biết thêm THT hiện có hơn 300 con bò, hộ thành viên nhiều nhất là 70 con, hộ ít nhất có 7 con. Bò con sau 1 năm đạt 120 kg sẽ xuất bán với giá 22 - 23 triệu đồng/con. Với hộ có số lượng bò lớn, trừ hết chi phí, trung bình thu lãi gần 600 triệu đồng/năm. Các hộ ít hơn trung bình lợi nhuận đạt 50 - 100 triệu đồng/năm.

Trước thực trạng nhiều mô hình THT thành lập nhưng hoạt động thiếu hiệu quả phải giải thể như THT trồng nấm bào ngư, THT trồng và chăm sóc cây cao su... thành công của THT chăn nuôi bò sinh sản ấp Đồng Bà Ba là điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể ở xã Long Hòa. Có được điều này một phần nhờ vào sự nỗ lực và sự dẫn dắt tổ thực hiện tốt mô hình của một số thành viên tâm huyết, có trách nhiệm, bên cạnh là sự chung sức hỗ trợ của các đơn vị, địa phương.

 Bà Trần Thị Phương, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể xã Long Hòa, cho biết các THT, chi hội nghề nghiệp trên địa bàn xã được thành lập giúp các thành viên có cơ hội sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, qua đó áp dụng vào hoạt động sản xuất để đạt hiệu quả cao. Để nâng cao hiệu quả, các THT, chi hội nghề nghiệp cần được quan tâm hơn nữa về kiến thức khoa học kỹ thuật, tập huấn chuyên sâu, tiếp cận nhiều nhiều nguồn vốn vay để nông dân có điều kiện phát triển kinh tế...

 TIẾN HẠNH