Hiệu quả từ mô hình nuôi cá nước ngọt ở Phú Giáo

Chủ nhật, ngày 28/05/2017

Những năm qua, nhiều nông dân xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nuôi cá nước ngọt. Từ những hộ nuôi nhỏ lẻ, sau một thời gian, Hội Nông dân xã đã quyết định thành lập câu lạc bộ (CLB) nuôi cá nước ngọt để tập hợp các hộ nuôi cá trên địa bàn. Đến nay, CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập đã trở thành một trong những mô hình làm kinh tế hiệu quả ở Phú Giáo

(BDO)

Thu hoạch cá tại CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập. Ảnh: HẢI SÂM

Trước đây, do làm ăn nhỏ lẻ, manh mún nên việc nuôi cá của nhiều hộ dân ở xã Tam Lập không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2004, Hội Nông dân xã đã thành lập CLB nuôi cá nước ngọt nhằm tập hợp các hộ nuôi cá trên địa bàn vào một tổ chức làm ăn kinh tế có định hướng, mục tiêu rõ ràng. Theo đó, Hội Nông dân xã chịu trách nhiệm tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật cho các thành viên CLB. Nhờ sự quan tâm của các ngành và địa phương, các thành viên CLB đã được vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí để thực hiện nhiều dự án thử nghiệm khác nhau.

Đến nay, CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập có 16 thành viên. Bình quân mỗi năm, các thành viên CLB thu hai vụ cá, sản lượng đạt từ 300 - 350 tấn cá các loại như cá rô, cá lóc, cá trắm cỏ với tổng trị giá từ 10,5 - 12 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, các thành viên trong CLB thu lợi nhuận từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/năm. Ngoài các loại cá, các thành viên CLB còn nuôi một số loại lưỡng cư khác như ếch, ba ba…

Trong quá trình nuôi, các thành viên CLB cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm trong thời gian đầu không ổn định. Trước tình hình này, Ban chủ nhiệm CLB đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân các cấp tổ chức cho các thành viên tham quan, học hỏi những mô hình nuôi cá mới, trong đó có mô hình nuôi cá sặc rằn và định hướng thực hiện mô hình này. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi, các thành viên CLB đã bước đầu thực hiện thành công mô hình này và tự sản xuất, nhân con giống để nuôi.

Người tiên phong trong thực hiện mô hình nuôi cá sặc rằn là ông Phùng Văn Thức, ngụ ấp Đồng Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập. Năm 2011, qua tìm tòi học hỏi, ông đã thực hiện nuôi thí điểm cá sặc rằn. Đến nay, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao; bình quân mỗi năm ông bán được 40 tấn cá thương phẩm trị giá hơn 2 tỷ đồng, thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Ông Thức cho biết, qua tìm hiểu những đặc điểm của cá sặc rằn, ông nhận thấy chúng không chỉ dễ nuôi, thích hợp đặc điểm khí hậu, nguồn nước tại địa phương mà nó còn dễ ươm, dưỡng giống. Khi ông thả giống cá bằng trứng có thể nâng cao khả năng thích ứng với môi trường mới của cá ngay từ nhỏ và ông đã thành công ngay từ lứa cá đầu tiên.

Với cách làm này, chỉ sau 8 tháng xuống giống cá bằng trứng, ông Thức đã thu được khoảng 40 tấn cá loại 7 con/kg; với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí ông thu về khoảng 400 triệu đồng. Từ thành công của ông Thức, Ban Chủ nhiệm CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập đã triển khai đến các thành viên chuyển đổi mô hình nuôi cá trước đây sang nuôi cá sặc rằn, đồng thời mở cơ sở chế biến khô sặc rằn phục vụ nhu cầu thị trường. Với hướng đi mới này, CLB đã từng bước giúp các thành viên phát triển kinh tế gia đình ổn định.

Ông Thức nói, để đạt được kết quả như hiện nay, trong thời gian qua CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của lãnh đạo địa phương và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh. Từ đó đã tạo điều kiện cho CLB phát triển ổn định, cũng như tìm được hướng đi mới nhằm phát triển ngành thủy sản tại địa phương.

HẢI SÂM